Thẳng tiến vươn khơi

Biển là máu thịt
Thẳng tiến vươn khơi

Những ngày này, các cảng cá của miền Trung vẫn tấp nập tàu đưa cá vào bờ đưa đi tiêu thụ và những con tàu vẫn thong dong cưỡi sóng ra khơi đánh bắt. Những quan ngại về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam vẫn được họ quan tâm, theo dõi nhưng không làm chùn bước những ngư dân yêu nước, luôn đoàn kết bảo vệ chủ quyền.

Ngư dân Quảng Bình vẫn kiên cường bám biển Hoàng Sa. Ảnh: MINH PHONG

Ngư dân Quảng Bình vẫn kiên cường bám biển Hoàng Sa. Ảnh: MINH PHONG

Biển là máu thịt

Những ngày qua, nhiều tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn từ ngư trường Hoàng Sa liên tục cập đảo. Thông tin Trung Quốc đưa giàn khoan vào đặt ngay trên vùng biển Hoàng Sa là chủ đề nóng nhất của mỗi tàu cập cảng. Ngư dân Phùng Được ở thôn Tây (An Hải), đi trên tàu cá QNg 96047 bức xúc: “Khi kết thúc chuyến đi biển ở Hoàng Sa trở về đảo thì phát hiện giàn khoan của Trung Quốc đặt ngay hành trình về đảo Lý Sơn nên phải đi cách xa 5 - 7 hải lý, đi gần khu vực này sẽ bị tàu lực lượng Trung Quốc rượt đuổi ngay. Thực hiện hải trình như hiện nay thì tàu tiêu tốn nhiên liệu hơn, ngư dân chúng tôi không thể chấp nhận sự phi lý này”.

Ngư dân Nguyễn Anh Tuấn (xã Nghĩa An, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cũng cho biết, ông và nhiều ngư dân Quảng Ngãi đều nắm bắt được thông tin về chuyện Trung Quốc tự ý đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam và thấy rất bức xúc. “Vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đây là thực tế không thể chối cãi. Việc Trung Quốc có những hành động phi pháp như đưa giàn khoan rồi xua đuổi ngư dân của Việt Nam ngay trên vùng biển của Việt Nam là hành động không chấp nhận được. Mấy ngày nay, ngư dân chúng tôi vẫn đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt cá rất nhiều và sẽ tiếp tục đi đánh bắt bình thường”. Theo ông Tuấn, ở khu vực mà Trung Quốc vừa đặt giàn khoan bất hợp pháp thường có rất đông ngư dân Quảng Ngãi hành nghề đánh bắt cá.

Ông Trần Vẹm, chủ tàu cá ở Đông Hải, xã Lộc Trì (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Trung bình mỗi tàu ở thôn Đông Hải có công suất từ 120 - 250 CV. Hành trình vươn khơi, các ngư dân đi gần khu vực Trung Quốc triển khai lắp đặt giàn khoan nên mấy ngày nay bị rượt đuổi, lấy tài sản. Tuy nhiên, Hoàng Sa - Trường Sa là hai ngư trường chính truyền thống bao đời nay của ngư dân Việt Nam, là vùng biển của Việt Nam. Hơn nữa, việc Trung Quốc cấm biển Hoàng Sa lâu nay ngư dân chúng tôi xem đó là chuyện thường. Biển của mình, mình cứ bình thản vươn khơi.

Xã biển Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) có nhiều tàu của ngư dân bám biển Hoàng Sa. Trước những động thái ngang ngược của Trung Quốc, họ vẫn đồng lòng không ngại khó khăn. Lão ngư Phạm Ngọc Văn nói: “Biển là máu thịt, biển ta ta đánh bắt, họ đặt giàn khoan thì phản ứng quyết liệt để họ rút khỏi vùng biển nước ta”. 

Ngư trường truyền thống

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), ông Nguyễn Quốc Chinh đã phản đối mạnh mẽ hành động phi lý của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các ngư dân trong nghiệp đoàn tiếp tục vươn khơi bám biển Hoàng Sa làm kinh tế và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc không nhụt chí vì hành động phi lý này. “Ngư dân chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển Hoàng Sa khẳng định chủ quyền, vì Hoàng Sa là một phần xương máu của thế hệ cha ông” - ông Nguyễn Quốc Chinh khẳng định. Trong khi đó, ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, cho biết hội nghề cá đã liên tục có những thông báo đến ngư dân về tình hình xung quanh khu vực giàn khoan mà Trung Quốc vừa đưa vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngư dân vẫn tiếp tục ra khơi đánh bắt bình thường, vì đó là vùng biển chủ quyền của nước ta. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan chắn ngang đường hoạt động của tàu cá sẽ gây khó khăn cho việc đánh bắt và hao tốn nhiên liệu vì phải đi vòng để né tránh. Trong trường hợp cần thiết, hội nghề cá sẽ động viên, đề nghị các ngư dân và tàu cá phối hợp với lực lượng chức năng khác để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đồng quan điểm trên, bà Ngô Thị Kim Ngọc, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi (đơn vị quản lý các nghiệp đoàn nghề cá) thì hiện tại ngư dân vẫn đang đánh bắt bình thường. Không khuyến khích thì họ cũng đi.

Tại Quảng Bình, bộ đội biên phòng tỉnh luôn sát cánh cùng ngư dân, nhất là những ngày gần đây, các đồn cử các tổ, đội xuống từng xóm biển tuyên truyền quyền chủ quyền vùng biển Việt Nam, xác định cho ngư dân rõ các khu vực đánh bắt thủy sản để ngư dân nắm chắc, áp dụng. Quảng Bình hiện có 183 tổ đội đoàn kết với 1.113 tàu đánh bắt xa bờ tham gia. Nếu ngư dân bị đẩy đuổi trong vùng chủ quyền Việt Nam, biên phòng sẵn sàng bảo vệ ngư dân.

NHÓM PV


Quảng Ngãi: Gần 31,5 tỷ đồng hỗ trợ tàu khai thác vùng biển xa

(SGGP).- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có quyết định hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích khai thác hải sản trên các vùng biển xa đợt 1-2014 với tổng kinh phí gần 31,5 tỷ đồng. Có 325 tàu chuyên khai thác hải sản trên vùng biển xa thuộc các huyện Bình Sơn, TP Quảng Ngãi, Mộ Đức và Đức Phổ được hỗ trợ thông qua nhiên liệu với tổng số tiền là 30,774 tỷ đồng; bảo hiểm thân tàu và thuyền viên trên tàu cho 32 tàu với tổng số tiền 97 triệu đồng; hỗ trợ chi phí mua máy thông tin liên lạc cho 22 tàu với số tiền 616 triệu đồng. Việc hỗ trợ này sẽ giúp tàu thuyền và ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt trên các vùng biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

HÀ MINH

Đà Nẵng: Đưa 2 tàu cảnh sát biển bị tàu Trung Quốc đâm vào sửa chữa

(SGGP).- Ngày 8-5, hai tàu Cảnh sát biển 4033 và 2012 của Vùng Cảnh sát biển 2 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) bị tàu Trung Quốc tấn công đang được đưa về sửa chữa tại Tổng Công ty Sông Thu (96 Yết Kiêu, TP Đà Nẵng).

Theo quan sát của công nhân Tổng Công ty Sông Thu, tàu 4033 hư hỏng, móp méo nhiều chỗ ở phần mũi, mạn tàu bị đâm thủng, hiện đang được khẩn trương khắc phục các mảnh vỡ, đồng thời sửa máy và một số thiết bị khác bên trong. Tàu 2012 bị rách ở góc phần thân tàu.

BÙI YÊN - NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục