Chợ Nhật Tảo

“Thánh địa” linh kiện điện tử

“Thánh địa” linh kiện điện tử

“Ra Nhật Tảo đi!”, đó là câu “cửa miệng” của hầu hết những ai từng sống ở đất Sài Gòn khi muốn tìm mua bất cứ món hàng điện tử gì.

  • Thời thiếu thốn phương tiện “nghe nhìn”...
“Thánh địa” linh kiện điện tử ảnh 1

Ánh mắt dì Huỳnh Thị Dung, chủ hộ 020-lô N-chung cư Nguyễn Kim, sáng rỡ lên khi nói về buổi sơ khai của chợ Nhật Tảo: “Trước giải phóng, chợ chủ yếu bán phụ tùng xe máy cũ. Giải phóng xong, đến chừng năm 1986-1987, người buôn bán ngày càng đông, họ tập trung quanh thủy đài cạnh chung cư Nguyễn Kim, trải chiếu, bạt, nylon bày phụ tùng Honda, giường sắt Mỹ, bù-loong, ốc vít... ra ngồi bán.

Tháng 10-1989, nhà văn hóa-chợ khánh thành. Trên lầu thì tổ chức sinh hoạt văn hóa, dưới tầng trệt thì bố trí sạp cho những người bán lạc xoong bốc thăm, tổ chức buôn bán. Dù lúc đó sạp rẻ lắm, khoảng 1-2 chỉ/sạp, có sạp ở sâu quá thì giá chỉ 5 phân vàng nhưng cũng ít người vô vì bất tiện, hàng lạc xoong thì cồng kềnh trong khi sạp lại quá nhỏ (1mx1m) nên họ lại chạy qua phía quận 11 bán chồm hổm tiếp”.

Giai đoạn đầu đó, dì Dung chưa “tham gia” chợ mà chỉ ở nhà bán nước giải khát. Đến đầu những năm 90 dì mới quyết định “làm bạn” với hàng đống radio cassete, đầu máy video, tivi... Dì khoe: “Nhờ nó mà hai vợ chồng tui nuôi được sáu đứa con khôn lớn, giờ thì tụi nó đã ra riêng, cũng bán đồ điện. Nay tui hết bán đồ cũ rồi, chuyển qua bán amply, đầu đĩa VCD-DVD, mạch in... được lắp ráp sẵn”.

Giai đoạn nửa đầu những năm 90 là thời đỉnh cao của chợ Nhật Tảo. Anh Khanh-chủ tiệm điện tử Quốc Long trên đường Nguyễn Kim-nhớ lại: “Lúc đó, hàng nội địa bán rất chạy, tiệm nhỏ như của tui một tháng cũng kiếm được 5-6 triệu đồng tiền lời. Có nhiều người phất lên, sắm nhà lầu, xe hơi, mở công ty, xây dựng nhà xưởng lắp ráp... như “đại gia” Kim Cang, Chí Hào, Mạnh Giàu... Sau đó, họ không những vẫn giữ sạp mà còn mua thêm sạp, truyền lại cho con cháu. Ăn theo đó, một trường dạy nghề điện tử thực hành cũng mọc lên giữa chợ, trên tầng lầu và hoạt động ì xèo đến giờ”.

  • Chắp cánh ước mơ tự động hóa

Tuy nhiên, từ những năm 1996-1997, hàng điện tử nội địa “nguyên con” bắt đầu khan hiếm, tiểu thương chợ, lại lao đao. Một số người nhanh nhạy chạy sang Campuchia “đánh” hàng về  nhưng chỉ một vài năm thì “hàng Miên” cũng vơi. Lúc này, hàng lắp ráp bắt đầu xuất hiện. Anh Lập, chủ tiệm Thành Lập trên đường Nguyễn Kim, hồi tưởng: “Dân Nhật Tảo thích nghi nhanh lắm, cơn sốt World Cup 1998 “mở màn” cho việc lắp ráp tivi. Hàng nội địa ít được ưa chuộng do ít kênh. Tivi ở đây thì vỏ mạch phải nhập từ Trung Quốc về, còn màn hình thì tận dụng thôi, tân trang lại, giá bao nhiêu cũng có...”.

Đến tháng 11- 2000, khi chợ Nhật Tảo chính thức được công nhận là chợ chuyên ngành kim khí điện máy, hàng điện tử Trung Quốc, Đài Loan lẫn hàng do các công ty trong nước lắp ráp được tung ra rộng rãi đã khiến lực lượng “lên đời” đồ nghe nhìn suy giảm đáng kể. Một số tiểu thương trụ được nhờ lắp ráp với giá rẻ hơn 50% lại có bảo hành thì thu hẹp hoạt động lại, chỉ chuyên lắp ráp một vài mặt hàng như đầu VCD, DVD hay tivi đời mới. Số khác thì chuyển sang buôn bán hàng mới, đến giờ linh kiện lẫn sản phẩm mới đã tràn ngập hai dãy chợ A và B.

Đặc biệt, một số tiểu thương thức thời hơn đã đưa linh kiện và máy vi tính vào sạp của mình. Và càng ngày sự “phân công lao động” ở Nhật Tảo càng diễn ra rõ rệt. Anh Lê Huỳnh Hậu, Phó Ban quản lý chợ cho biết, 225 sạp chợ hiện nay hầu như chỉ bán những mặt hàng tinh gọn như dây điện, tụ điện, điện trở, mạch in, IC, quang trở...

Còn khoảng 400 hộ dân “ăn theo” ở các đường Nguyễn Kim, Vĩnh Viễn, Lý Thường Kiệt thì buôn bán những loại hàng phổ thông như tivi, đầu máy, máy vi tính... Và chính sự chuyên biệt hóa càng làm Nhật Tảo hút khách hơn. Không chỉ nổi danh ở TP mà hàng “made in Nhật Tảo” còn đi về tận mũi Cà Mau, ra miền Trung...

Từ năm 2002, chợ Nhật Tảo càng nổi tiếng hơn khi 2 nhóm sinh viên Telematic của Trường Đại học Bách khoa TPHCM lần lượt đoạt chức vô địch cuộc thi Robocon châu Á-Thái Bình Dương. Lý do được “bật mí”: “ruột” robot đều là hàng Nhật Tảo! Thời gian tới, chợ Nhật Tảo sẽ được di dời đến khu chung cư đang được xây dựng cách đó vài mét. Và Nhật Tảo lại tiếp tục sôi động, chắp cánh cho nhiều ước mơ công nghiệp hóa, tự động hóa của TPHCM và cả đất nước.

HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục