“Thành phố môi trường” đang... ô nhiễm

“Thành phố môi trường” đang... ô nhiễm

Chưa bao giờ, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Đà Nẵng lại “nóng” như hiện nay. Ô nhiễm xảy ra ở hầu hết các khu công nghiệp (KCN), địa bàn dân cư và đang từng ngày đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân...

Ô nhiễm từ KCN...

Mấy ngày nay, hàng chục hộ dân nuôi cá ở vịnh Mân Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) gạt nước mắt vớt cá đi chôn. Ông Nguyễn Văn Tư (ở tổ 36, Thọ Quang), bức xúc: “Từ lâu, bà con nghèo chúng tôi, người nuôi nghêu, người nuôi cá kiếm sống. Trước đây chẳng hề gì, còn nay môi trường ô nhiễm nghiêm trọng làm cá, nghêu chết dần. Chúng tôi già cả rồi, sống mà hứng chịu mùi hôi thối riết rồi khó mà sống lâu được với con cháu”.

Nhiều hộ nuôi cá bè ở vịnh Mân Quang (Thọ Quang, Sơn Trà) trắng tay vì cá chết do ô nhiễm nguồn nước.

Nhiều hộ nuôi cá bè ở vịnh Mân Quang (Thọ Quang, Sơn Trà) trắng tay vì cá chết do ô nhiễm nguồn nước.

Hơn 2.000 hộ dân khác thuộc các tổ 32, 33, 34, 35, 37, 39A, 39B của phường Thọ Quang và một phần các khu dân cư của phường Nại Hiên Đông cũng sống trong… nghẹt thở. Ông Phan Văn Năm, Bí thư Chi bộ Mân Quang 1 cho biết: “Mùi hôi bốc lên từ âu thuyền và cảng cá. Nhà một số hộ dân không dám mở cửa, nhất là thời điểm từ 20 giờ cho đến khoảng 5 giờ sáng. Nhiều gia đình có đám giỗ, chạp hay cưới hỏi cũng không dám tổ chức ở nhà vì hôi quá”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng hiện có hơn 10 doanh nghiệp đang hoạt động. Giữa năm 2008, Thanh tra Sở TN-MT đã lấy mẫu, kiểm tra tại đây, kết quả có 6/7 DN bị lấy mẫu vi phạm nghiêm trọng, khi thải nước vượt tiêu chuẩn chất lượng gấp cả chục lần và xả thẳng ra môi trường.

Nằm trong danh sách đen về ô nhiễm, KCN Hòa Khánh “nổi tiếng” với việc các DN lén lút và cả công khai xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, mặc dù KCN đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất lên đến 5.000m³ nước thải/ngày đêm. Những dòng nước đen ngòm từ các nhà máy trong KCN Hòa Khánh cứ ngày đêm đổ thẳng ra ruộng đồng của người dân, ra sông, ao hồ...

Chính vì vậy đã nhiều năm nay, hơn 12ha ruộng lúa của hàng chục hộ nông dân thôn Trung Sơn (Hòa Liên, Hòa Vang) không thể gieo cấy được. Chẳng những nông dân ở đây đang đối mặt với nghèo đói mà còn bệnh tật, nhất là bệnh ghẻ ngứa, suy hô hấp, ung thư… Ông Đỗ Hường (70 tuổi) chỉ vào bàn tay, bàn chân đang bị thúi móng của mình, ai oán: “Đã từng này tuổi rồi vẫn chưa hết cực. Tay chân tiếp xúc nước ô nhiễm từ đồng ruộng, hành hạ đau nhức cả ngày đêm”.

Một “điểm đen” cũng cần phải nhắc tới, đó là KCN Liên Chiểu. KCN này hoạt động hơn 3 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có nhà máy xử lý chất thải tập trung nên hầu như lượng nước thải đều được đổ thẳng ra môi trường. Chính vậy mà hồi giữa tháng 5-2010, trên dòng sông Cầu Trắng, cá chết nổi đầy sông, người dân phải đi vớt từng thúng đem chôn vì sợ xác cá phân hủy làm môi trường càng ô nhiễm nặng hơn.

... Đến khu dân cư

Khu dân cư mới Công viên Khuê Trung - Hòa Cường (thuộc tổ 49, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) cũng nghẹt thở vì nằm trong vùng đệm của Trạm xử lý nước thải Hòa Cường và đoạn kênh nước thải phía Nam sân bay đổ ra hồ Đò Xu. Vừa ôm ngực ho sù sụ vì căn bệnh lao phổi, ông Trần Văn Tuấn không giấu nỗi bất bình: “Ăn thua gì chú ơi, thử ở đây một ngày chú sẽ hiểu người dân chúng tôi khổ như thế nào! Mùi hôi ở khắp miệng nắp hố ga, hầm cầu của hồ xử lý nước thải bốc lên cả ngày lẫn đêm. Đó là chưa kể ruồi, muỗi sinh sản dày đặc, dịch bệnh theo đó bùng phát”.

Ông Nguyễn Dân, Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam cho rằng: “Hiện có 38 hộ dân đang sống trong vùng ô nhiễm của Trạm xử lý nước thải Hòa Cường. Chúng tôi đã kiến nghị thành phố có chủ trương đầu tư thay đổi công nghệ mới của trạm này nhằm giảm mùi hôi hoặc nếu có điều kiện, tổ chức di dời dân đến nơi khác để họ an cư lạc nghiệp, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.

Những du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng cũng đang “chia... mùi”. Đó là họng cống thoát nước thuộc dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường thành phố nằm ngay trên bãi biển Mỹ Khê. Khi có gió biển thổi vào thì cả khu vực bị bao trùm bởi mùi tanh hôi, không chịu được. Nhà dân, nhà hàng quanh khu vực phải kêu trời. Thế là cả vùng bãi biển đẹp nhất này trở thành bãi chứa nước thải.

Ngược lên khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (huyện Hòa Vang), cũng nghe người dân ở đây than oán vì hơn 2 năm qua họ phải sống chung với bụi bặm. Từ sáng sớm đến tối, cả tuyến đường ở khu dân cư này luôn phủ kín  lớp bụi mù mịt do hàng trăm xe chở đất đá chạy qua. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở hầu hết các khu dân cư nằm dọc theo tuyến QL14B, như: Hòa Nhơn, Hòa Sơn…

Ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn xác nhận, việc các đơn vị khai thác, vận chuyển đất đá ở đây gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân đã diễn ra cả chục năm nay. Chính quyền xã không thể ngăn chặn được bởi hầu hết các đơn vị thi công, khai thác đất đá trên địa bàn đều có giấy phép hoạt động.

Đà Nẵng đã đề ra mục tiêu xây dựng “Thành phố môi trường” nhưng có khả thi khi nạn ô nhiễm môi trường đang diễn ra hết ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác?

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục