Thành phố qua những mô hình tí hon

Xe cà rem - đá bào trước cổng trường học, tiệm tạp hóa, xe hủ tiếu gõ, sạp báo, cổng trường học, xe bánh mì… Những hình ảnh mang hơi thở, nhịp sống của thành phố được thể hiện sắc nét qua từng mô hình tí hon, với một niềm mong muốn: “Mình phải giữ lại những hình ảnh của thành phố để thế hệ mai sau thêm biết, thêm yêu nơi này”, anh Nguyễn Phúc Đức (31 tuổi, ngụ quận 4, chủ nhân những mô hình tí hon) chia sẻ.

Trải qua nhiều công việc khác nhau như nhân viên tiếp thị, giao hàng, công nhân xưởng máy, anh Nguyễn Phúc Đức vẫn trăn trở với câu hỏi: “Đam mê của mình thực sự là gì?”. 

Khi xem lại món quà sinh nhật là chiếc hộp gỗ được ba tặng vào năm lớp 6, anh Đức hình thành ý tưởng làm những mô hình tí hon. Nói về lý do chọn những hình ảnh thân thuộc của thành phố làm đề tài cho mô hình, anh Đức cho biết: “Tôi trưởng thành ở nơi đây, nên những con đường, khung cảnh trong thành phố đều có một kỷ niệm rất đặc biệt. Những mô hình thu nhỏ tôi làm là những hình ảnh quen thuộc, câu chuyện hàng ngày từ đời sống sinh hoạt của người dân, tôi muốn lưu giữ lại để thế hệ sau này hay những người từ nơi khác đến thêm hiểu, thêm yêu nơi này”.

Tiệm tạp hóa, gánh hàng rong, bơm vá xe đạp vỉa hè, hay một góc đường trong thành phố sau cơn mưa… khiến nhiều người bị thu hút, bởi nó tinh tế, sắc sảo và đặc biệt, thật như cuộc sống thường ngày trong từng chi tiết, dù rất nhỏ.

Thành phố qua những mô hình tí hon ảnh 1 Anh Nguyễn Phúc Đức bên những mô hình tí hon về thành phố
Cầm trên tay mô hình một xe bán hột vịt lộn, trứng cút lộn, Đặng Thùy Trang (28 tuổi, nhân viên ngân hàng, ngụ quận 4) chia sẻ: “Đây là món ruột của tôi với nhóm bạn hồi cấp hai, cấp ba. Lớn lên, mỗi đứa mỗi việc nên ít hẹn hò nhau như xưa, nhìn mô hình như thấy lại tuổi thơ của mình. Cũng sắp tới sinh nhật một bạn trong nhóm, tôi chọn mô hình này để làm quà, chắc chắn sẽ ý nghĩa lắm”.

Không chỉ thu hút với những ai có nhiều kỷ niệm gắn bó với thành phố, mô hình tí hon về thành phố xưa cũng được nhiều bạn trẻ tìm đến. “Em chỉ biết đến cải lương qua tivi, chứ khung cảnh rạp hát, đào kép biểu diễn trên sân khấu như thế này thì xem mô hình em mới biết. Ba mẹ em rất thích cải lương, nên em chọn mua mô hình này để trưng trong nhà”, Lương Hồng Oanh (19 tuổi, sinh viên năm 1 Đại học Kinh tế TPHCM) cho biết.

Ngoài những mô hình đơn thuần như một thành phố thu nhỏ, mô hình tí hon của anh Đức còn là một món đồ chơi để khách hàng có thể thử thách khả năng sáng tạo và lắp ráp của bản thân.

“Ban đầu, nhiều khách mua ngại chuyện lắp ráp lắm, vì mỗi mô hình rất nhiều chi tiết mà chi tiết nào cũng nhỏ, khiến khách thấy ngán. Nhưng rồi nhiều khách bắt đầu thử, dần dần họ thấy thích, có người ráp xong còn chụp hình lại khoe với tôi, mỗi lần ráp xong họ cảm giác như khám phá ra một năng khiếu hay phá vỡ một giới hạn của bản thân, mà trước đây chưa hoặc rất ít khi làm. Cũng nhờ những chia sẻ đó mà tôi có động lực để làm nên nhiều mô hình hơn nữa”, anh Đức chia sẻ thêm.

Với mức giá khoảng hơn 300.000 đồng/mô hình, một số khách hàng phàn nàn, anh Đức bày tỏ: “Tôi cũng có nghe một số khách góp ý về giá nhưng thực sự rất khó để có thể cân chỉnh thêm nữa, vì mỗi mô hình tuy nhỏ nhưng phải làm rất tỉ mỉ và nguyên vật liệu cũng phải như thật từ nhựa, gỗ, kim loại… chỉ khác là mô hình thì nhỏ hơn thôi. Nên có lúc khách thắc mắc, tôi giải thích xong, họ vui vẻ gật đầu, nhiều khách cũng rất thoải mái, có được một kỷ niệm, một hình ảnh nhắc về thành phố là đủ giá trị chứ không quan trọng giá bán mắc hay rẻ”.

Tin cùng chuyên mục