"Kỹ sư tạo ra nguồn tri thức, công nghệ và cơ sở hạ tầng. Các xã hội và các nền kinh tế tri thức được các kỹ sư xây dựng nên và nhiều phần trong lịch sử của các nền văn minh chính là lịch sử của nghề kỹ sư”. Oái oăm thay, nhận định tôn vinh nghề kỹ sư của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đã được đưa ra cùng với hồi chuông cảnh báo thế giới đang có nguy cơ thiếu nghiêm trọng kỹ sư, đe dọa đến sự tăng trưởng kinh tế.
Không thể phủ nhận vai trò và đóng góp to lớn của lực lượng kỹ sư trên bước đường phát triển mỗi quốc gia. Ví như Nhật Bản, chính đội ngũ kỹ sư hùng hậu đã đưa đất nước thiếu tài nguyên sau Thế chiến thứ 2 này sớm trở thành một cường quốc kinh tế. Tuy nhiên, sau nhiều năm vật lộn để trở thành nước có vị trí này, Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với hiện tượng “rikei banare” hay gọi là “cuộc tháo chạy khỏi khoa học’’ khi số lượng kỹ sư trẻ và nhân viên trong các ngành liên quan tới công nghệ kỹ thuật ngày một thu hẹp dần.
Trong hồi chuông vừa gióng lên, UNESCO nhận định: “Thiếu kỹ sư trong các lĩnh vực công nghiệp then chốt đã trở thành phổ biến ở hầu hết các nước, thậm chí còn trầm trọng hơn ở nhiều nước do tình trạng kỹ sư di cư ồ ạt từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển và chính từ nghề kỹ sư ngày càng mất sức hấp dẫn”. Trong khi nhiều công ty Nhật Bản ra sức săn kỹ sư từ các nước thì thanh niên Nhật lại thích giống người Mỹ hơn, nghĩa là chọn lựa nghề nghiệp được trả lương cao hơn như tài chính, dược phẩm hay sáng tạo, nghệ thuật, chứ không thích tiếp bước ông cha trở thành người làm thuê trong một thế giới máy móc không có gì hấp dẫn.
Thanh niên ngày nay trở nên xa lạ với thời kỳ chiến tranh gian khổ của thế hệ ông bà, cha mẹ họ, nên không hiểu rõ giá trị của lao động trong các nhà máy. Họ thích bay nhảy, hưởng thụ vật chất với xã hội bên ngoài hơn là cúi mặt với những cỗ máy vô tri. “Cuộc tháo chạy khỏi khoa học” còn xuất phát bởi sự lơ là của các nhà hoạch định chính sách với quan niệm nghề kỹ sư quá phổ biến trong cuộc sống xã hội. Các chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên có chiến lược phát triển lực lượng kỹ sư, để thanh niên thấy rằng xã hội đang mở ra cơ hội thay đổi đối với nghề này.
XUÂN HẠNH