Thất bát mùa mía

Niên vụ sản xuất mía đường 2014 - 2015, các tỉnh vùng Đông Nam bộ đối mặt với nguy cơ thất bát nặng nề. Cùng với việc sâu bệnh hoành hành, giá cả lại trồi sụt đã khiến người trồng mía thêm đắng lòng.
Thất bát mùa mía

Niên vụ sản xuất mía đường 2014 - 2015, các tỉnh vùng Đông Nam bộ đối mặt với nguy cơ thất bát nặng nề. Cùng với việc sâu bệnh hoành hành, giá cả lại trồi sụt đã khiến người trồng mía thêm đắng lòng.

Sâu bệnh hại mía

Vụ mía đường 2014 - 2015, nông dân trồng mía ở tỉnh Tây Ninh đang “đau đầu” do có khoảng 7.000ha mía bị sâu đục thân phá hoại. Ông Trương Thế Vĩnh, nông hộ trồng mía ở xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) lo âu: “Hiện có nhiều diện tích trồng mía ở địa phương đang bị sâu đục thân hoành hành và có hiện tượng lây lan ở nhiều trang trại trồng mía. Giá mía năm nay không cao, lại bị sâu bệnh, mùa mía này thất bại là cái chắc”. Ghi nhận tại thị trường Đông Nam bộ, từ sau tết, giá mía (10 chữ đường) chỉ còn khoảng 850.000 đồng/tấn, giảm gần 100.000 đồng so với vụ trước.

Nông dân thu hoạch mía nhưng không vui vì sâu bệnh và giá thấp

Theo ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, tình hình sâu đục thân phá hoại cây mía đang báo động và có khả năng thành dịch trên địa bàn tỉnh. Những ruộng mía có sâu đục thân xuất hiện nhiều là ở các huyện Châu Thành, Bến Cầu… Đây là loài sâu phá hoại có vòng đời 50 ngày, phát triển rất nhanh trên thân cây mía. Trên một cây mía có khả năng chứa đến gần 100 con và làm mía giảm chất lượng từ 20% - 30%. Hiện Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đã làm việc với các nhà khoa học và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) để tìm giải pháp ngăn chặn. Nếu thời gian tới tình hình sâu bệnh không được cải thiện, chắc chắn vụ mía 2014 - 2015, các ruộng mía của nông dân sẽ giảm năng suất nghiêm trọng, lúc này các nhà máy đường không chỉ thiếu nguyên liệu mà chất lượng đường cũng giảm theo.

Rầu lòng vì giá cả

Những ngày sau tết, các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Xuân Lộc… (tỉnh Đồng Nai) đang vào cao điểm thu hoạch mía, nhưng không khí không thật sự hồ hởi cho lắm. Tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), các lò nấu đường thủ công, vốn là đặc trưng của vùng nông thôn này, hoạt động hết sức èo uột. Đến nay, có nhiều lò đường đã đóng cửa, nông dân cũng “ngoảnh mặt” với cây mía. Hiện cả xã Bình Lợi chỉ còn khoảng 120ha mía, giảm hơn 50% so với niên vụ trước. Dưới trưa nắng gắt, nông dân Trần Văn Đỡ than: “Gia đình tôi trước đây có 2ha đất trồng mía. Mấy năm nay, thấy cây mía không có tương lai gì nên tôi đã chuyển 1ha qua trồng cây khác. Vụ thu hoạch mía 2013 - 2014, nhà tôi coi như không có lãi. Nếu vụ thu hoạch này tình hình giá cả không cải thiện, chắc chắn là tôi bỏ luôn cây mía”. 

Ở vùng Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long cũng như Đông Nam bộ…, bao năm qua, lợi nhuận từ cây mía tuy không bằng một số cây trồng khác, nhất là cây công nghiệp dài ngày nhưng bà con nông dân vẫn gắn bó vì các công ty mía đường đầu tư cho nông hộ từ giống, phân bón, cơ giới hóa đồng ruộng cho đến việc bao tiêu sản phẩm. Nhưng điều này cũng không thể giữ chân được nông dân một cách bền lâu, nếu hiệu quả kinh tế của cây trồng này ngày càng xuống thấp. Ông Nguyễn Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, niên vụ mía đường này, diện tích trồng mía của cả xã đã giảm hàng trăm hécta so với mọi năm. Lao động quần quật cả năm trên đồng đất, mỗi hécta mía nay bà con nông dân chỉ kiếm được chừng chục triệu đồng. Cũng còn nhiều nông dân gắn bó với cây mía, song tâm trạng vô cùng thấp thỏm, âu lo…

ĐỨC THANH

Tin cùng chuyên mục