Khó kiểm soát an toàn thực phẩm
Theo PGS-TS Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống. Vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế.
Nhận thức được vấn đề quan trọng trên, trong những năm qua, các bộ ngành chuyên môn đã tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hơn về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trên cả nước vẫn đang bị đánh giá là còn nhiều bất cập, gây nhiều lo lắng cho người dân. Việc vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đã diễn ra trong hầu hết lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh rau củ; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất, kinh doanh chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và sữa, bánh kẹo… Các vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm đã gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe của người dân. Cụ thể là dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm hoặc gây ra các bệnh mãn tính (rối loạn chuyển hóa chất của cơ thể, bệnh tim mạch, bệnh ung thư…). Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 150 - 200 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.000 - 7.000 người, trong đó có 40 - 60 người tử vong.
Lý giải nguyên nhân trên, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện trên cả nước đang có gần 10 triệu hộ nông dân sản xuất thực phẩm; 500.000 cơ sở chế biến, trong đó 85% có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ. Do đặc điểm sản xuất kinh doanh thực phẩm đa số là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, nên nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế. Nhất là việc sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định trong trồng rau quả; dùng chất cấm trong chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản; sử dụng hóa chất phụ gia ngoài danh mục, hay kinh doanh thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ...
Riêng về phía cơ quan chức năng, năng lực kiểm nghiệm và lực lượng cán bộ quản lý an toàn thực phẩm còn thiếu và yếu cả ở trung ương lẫn địa phương. Còn nhiều chỉ tiêu phân tích về an toàn thực phẩm mà tuyến tỉnh và huyện chưa làm được. Hệ thống văn bản liên quan đến an toàn thực phẩm đã có khá nhiều nhưng chồng chéo, rất khó thực thi. Đặc biệt, việc xử lý các vi phạm còn chưa kiên quyết; tại tuyến xã, phường biện pháp xử lý chủ yếu là nhắc nhở, chiếm 81,8% số cơ sở vi phạm.
Xử lý vi phạm cần công khai thông tin
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chia sẻ, không dừng lại đó, tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang đặt nước ta vào bối cảnh chịu những thách thức lớn về rào cản kỹ thuật (TBT) và các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) trong an toàn thực phẩm. Các biện pháp về rào cản kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ của Việt Nam chưa tốt, có thể dẫn tới tình trạng Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, không đảm bảo an toàn thực phẩm… Các sản phẩm thực phẩm của nước ta cũng gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường các nước vì các rào cản phi thuế quan này.
Trước thực tế đó, nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được triển khai. Cụ thể, như chương trình giám sát an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản trên diện rộng đối với các sản phẩm tiêu thụ nhiều, nguy cơ cao; xây dựng các mô hình điểm về thức ăn đường phố, chợ điểm về an toàn thực phẩm, mô hình chuỗi nông lâm thủy sản an toàn; đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục về an toàn thực phẩm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa cao.
Cũng theo PGS-TS Trần Quang Trung, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng sản xuất nông, lâm sản và thủy sản. Chú trọng tới việc tuyên truyền giới thiệu các mô hình, các sản phẩm thực phẩm an toàn. Củng cố tổ chức, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý và hệ thống kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành. Xử lý nghiêm và công khai theo quy định không chỉ với các trường hợp cá nhân cơ sở sản xuất vi phạm về an toàn thực phẩm mà cho cả các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng mất an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Riêng về phía các cơ quan chức năng, phải nhanh chóng rà soát lại toàn bộ các văn bản về an toàn thực phẩm đã ban hành để loại bỏ các văn bản trái luật, chồng chéo, không thực thi, không thống nhất. Tăng cường hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội dân sự kết hợp với đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Quan trọng hơn, phải tính đến giải pháp tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu. Trong đó, phải kiểm soát chặt chẽ thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường.
Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Nhà nước nên có chính sách khuyến khích hoạt động xã hội hóa kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, theo hướng chỉ nên giữ 1 hoặc 2 trung tâm kiểm nghiệm, xét nghiệm của Nhà nước để làm nhiệm vụ kiểm mẫu liên phòng và làm trọng tài khi có sự tranh chấp về kết quả kiểm nghiệm, xét nghiệm. Còn lại, tất cả hoạt động đánh giá, chứng nhận, kiểm nghiệm và xét nghiệm phục vụ quản lý nhà nước và yêu cầu của doanh nghiệp nên xã hội hóa, giao cho những cơ sở đáp ứng các điều kiện đã được quy định.
GS-TS Phạm Duy Tường, Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm Đại học Y Hà Nội, cho rằng Nhà nước cần khuyến khích chuyển đổi các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ sang quy mô hàng hóa lớn để áp dụng quy trình sản xuất thực phẩm sạch từ khâu bảo quản, chế biến trong chuỗi hàng hóa thực phẩm an toàn. Song song đó, các cơ quan chức năng tiếp tục khuyến khích động viên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, IS22.000, GAP, chuỗi bền vững, sản phẩm hữu cơ… Nếu triển khai đồng bộ nghiêm túc, công tác an toàn thực phẩm ở Việt Nam sẽ thực sự hiệu quả. |