Thay đổi để phù hợp yêu cầu phát triển mới

Các loại hình vận tải mới này cùng với xe buýt, taxi và buýt đường sông sẽ hợp thành hệ thống phương tiện VTHKCC. Lúc đó, chúng ta sẽ cần đến mô hình quản lý điều hành mới, phù hợp, thống nhất, đồng bộ hơn và MCPT chính là tổ chức sẽ đáp ứng được những yêu cầu mới này.
Ngày 9-1 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành Quyết định số 79/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (TTQL-ĐHVTHKCC) thành Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, trực thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), có tên tiếng Anh: Ho Chi Minh City Management Centre of Public Transport (MCPT). Việc tổ chức lại TTQL-ĐHVTHKCC thành MCPT chính là bước đi nhằm đón đầu xu thế phát triển mới. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Trung, Giám đốc MCPT, về sự đổi mới này.
Phóng viên: Ông có thể cho biết lý do và mục đích tổ chức lại TTQL-ĐHVTHKCC thành MCPT?
Ông TRẦN CHÍ TRUNG: Những người quan tâm, theo dõi lĩnh vực GTVT nói chung và lĩnh vực VTHKCC tại TPHCM nói riêng đều biết rằng, trong tương lai không xa, hệ thống VTHKCC của thành phố sẽ có quy mô lớn hơn so với hiện tại, thông qua sự xuất hiện của các phương thức vận tải công cộng  tân tiến và có sức chở lớn như metro, monorail, BRT, xe điện…
Các loại hình vận tải mới này cùng với xe buýt, taxi và buýt đường sông sẽ hợp thành hệ thống phương tiện VTHKCC. Lúc đó, chúng ta sẽ cần đến mô hình quản lý điều hành mới, phù hợp, thống nhất, đồng bộ hơn và MCPT chính là tổ chức sẽ đáp ứng được những yêu cầu mới này.
Theo phân tích của ngành GTVT, trong giai đoạn từ nay đến năm 2022, hệ thống giao thông công cộng TPHCM sẽ tiếp tục phát triển và bắt đầu tiếp nhận các mô hình dịch vụ mới như tuyến BRT số 1 và tuyến metro số 1. Trong giai đoạn từ năm 2023 trở về sau, khi hệ thống hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện theo quy hoạch, các tuyến metro số 1 và số 2 được đưa vào khai thác, khi đó, ngành giao thông công cộng thành phố sẽ có bước phát triển mới và đảm nhận từ 20% - 30% nhu cầu đi lại của người dân.
Theo lộ trình, đến lúc đó MCPT tiếp tục được nâng cấp và chuyển sang trực thuộc UBND TPHCM cũng như bổ sung thêm các chức năng, nhiệm vụ về quản lý hoạt động giao thông công cộng, phù hợp với mô hình quản lý giao thông công cộng của các thành phố hiện đại trên thế giới.
 Như vậy, MCPT sẽ có những chức năng chính yếu nào?
Theo Quyết định của UBND TPHCM, MCPT có chức năng giúp Sở GTVT trong việc quản lý hoạt động VTHKCC trên địa bàn thành phố, bao gồm các loại hình xe buýt, taxi, đường sắt đô thị, xe điện, buýt đường thủy, xe đưa rước học sinh - sinh viên - công nhân... Bên cạnh đó, MCPT cũng có nhiệm vụ tổ chức, điều hành các hoạt động VTHKCC theo quy định; tuyên truyền, thông tin về hoạt động VTHKCC; quản lý, điều phối, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chất lượng phục vụ VTHKCC. MCPT cũng có trách nhiệm quản lý khai thác, sử dụng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động VTHKCC.
 Với nhiều trách nhiệm quan trọng như vậy, MCPT sẽ triển khai công việc như thế nào ?
MCPT thực hiện khá nhiều nhiệm vụ. Trước hết, MCPT sẽ phải xây dựng các đề án, đề tài, kế hoạch phát triển VTHKCC hàng năm, 5 năm và dài hạn hơn nữa trên địa bàn thành phố, cũng như VTHKCC đến các tỉnh liền kề, bao gồm chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển tích hợp, đơn giá… MCPT cũng có nhiệm vụ xây dựng, tham mưu chính sách về vốn, giá vé, cơ cấu vé, mức trợ giá, chi phí, cơ sở phân bổ giữa các loại hình VTHKCC. Tổ chức, quản lý hệ thống vé VTHKCC đa phương thức trên địa bàn thành phố. 
Ngoài ra, MCPT còn chủ trì thực hiện việc quản lý, khai thác hệ  thống thông tin và cơ sở dữ liệu thuộc hệ thống giao thông công cộng thành phố, bao gồm dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe buýt, xe buýt nhanh, buýt đường thủy, đường sắt đô thị, taxi, xe khách tuyến cố định, cùng các dữ liệu khác thuộc hệ thống giao thông công cộng. Tổ chức đấu thầu, đặt hàng, ký kết các hợp đồng với các đơn vị cung ứng dịch vụ trong hoạt động VTHKCC và quản lý chất lượng dịch vụ theo quy định pháp luật.
Quản lý, khai thác, tổ chức duy tu bảo trì và sử dụng có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động VTHKCC. Quản lý, khai thác các bãi đậu xe theo phân cấp của Sở GTVT (không bao gồm hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị và buýt đường thủy). Tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp phù hiệu, biển hiệu cho ô tô tham gia kinh doanh vận tải hành khách đường bộ và một số loại giấy phép của hoạt động vận tải hành khách theo phân cấp của Sở GTVT.
Các sở, ban ngành chức năng của thành phố có ý kiến gì đối với việc tổ chức lại TTQL-ĐHVTHKCC thành MCPT?
Rất mừng là trong suốt quá trình xúc tiến nghiên cứu, chuẩn bị cho việc tổ chức lại TTQL-ĐHVTHKCC thành MCPT, Sở GTVT đã tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn có liên quan. Nói chung, sự ra đời của MCPT đã nhận được sự đồng thuận cao giữa các cơ quan chuyên môn liên quan như Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Ban Quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý giao thông đô thị… Đây là tiền đề thuận lợi cho hoạt động của MCPT trong thời gian tới.
 Xin cám ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục