Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc (MOJ), đây là những chính sách nhằm tăng số lượng lao động nước ngoài để góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của quốc gia trong bối cảnh nước này liên tục giảm dân số, tỷ lệ sinh thấp. Số liệu thống kê của MOJ cho thấy, tính đến ngày 31-12-2021, có hơn 1,97 triệu cư dân có quốc tịch nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc, chiếm 3,82% tổng dân số. Khoảng 170.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại các trường đại học trên khắp đất nước, trong đó hơn một nửa đang theo học các khóa học chuyên ngành (ngoài tiếng Hàn).
Ngoài ra, MOJ sẽ áp dụng chính sách thị thực mới để thu hút công dân nước ngoài trong các lĩnh vực giải trí và văn hóa; đồng thời mở rộng hỗ trợ cho con cái của những cư dân nước ngoài không có giấy tờ (cư trú bất hợp pháp), những người được nuôi dưỡng tại Hàn Quốc từ khi còn nhỏ. Để đảm bảo quyền được đi học của những trẻ em này và để các em được chấp nhận là thành viên của xã hội Hàn Quốc, MOJ đang xem xét cấp tư cách thường trú cho những em đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học tại Hàn Quốc. Bố mẹ của những em này (với tư cách là người giám hộ) cũng có thể được cấp tư cách thường trú để ở lại Hàn Quốc cho đến khi con em họ hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, “Thị thực Hallyu” (Hallyu visa) sẽ được triển khai để thu hút những tài năng trong các lĩnh vực văn hóa như K-pop, nhằm tăng tính cạnh tranh của làn sóng Hallyu trên trường quốc tế. Hàn Quốc sẽ cấp thị thực toàn diện cho các “sinh viên văn hóa” đến Hàn Quốc du học hoặc ở lại để học hỏi hệ thống tiên tiến của các công ty giải trí nổi tiếng Hàn Quốc.
Theo giới chuyên gia kinh tế, việc thay đổi chính sách thị thực để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến từ nước ngoài trong thời điểm hiện nay là một biện pháp cần thiết, khi Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Tỷ lệ sinh thấp đang đặt ra mối lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á. Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc hiện thuộc diện thấp nhất thế giới, với mức trung bình 0,8 trẻ em/bà mẹ. Trong khi các nhà nhân chủng học cho rằng mức sinh 2,1 trẻ em/bà mẹ mới là ngưỡng cần thiết để duy trì dân số, lao động hợp lý.