Thay đổi mô hình cũ để phát triển xanh và bền vững

Ngày 17-3, tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2023 diễn ra ở TP Đà Nẵng, các địa phương nhìn nhận phải thay đổi mô hình tăng trưởng cũ, dựa vào tài nguyên để chuyển sang mô hình tăng trưởng mới xanh hơn.
Đại biểu tham dự Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2023. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Đại biểu tham dự Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2023. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Phát triển chưa tương xứng

Theo ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, miền Trung và Tây Nguyên luôn là khu vực trọng điểm, còn nhiều dư địa để phát triển, với những thế mạnh về địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc phát triển các loại năng lượng xanh, là điểm đến đầu tư hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Miền Trung và Tây Nguyên có đường biển dài, khí hậu nhiệt đới, có lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn là ưu điểm để các địa phương trong khu vực xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh, đóng góp hết sức thiết thực và hiệu quả vào định hướng phát triển nền kinh tế của khu vực cũng như của Việt Nam trong tương lai.

Phiên thảo luận tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2023. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Phiên thảo luận tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2023. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nhìn nhận sự phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương lý giải nguyên nhân, về cơ chế, hiện chưa hình thành cơ quan hành chính cấp vùng. 63 tỉnh thành được ví như 63 nền kinh tế, tình trạng cục bộ cản trở liên kết. Nhiều lãnh đạo địa phương chỉ muốn liên kết với các trung tâm kinh tế lớn chứ không muốn liên kết với tỉnh nhỏ, khó khăn. Hệ quả của tình trạng cục bộ là cạnh tranh xuống đáy giữa các tỉnh, nền kinh tế không giải quyết được các vấn đề chung như môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên…

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Danh mục dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, miền Trung đang đối mặt với hai thách thức hàng đầu trong tăng trưởng xanh.

Cụ thể ở khía cạnh thích ứng, bà Stefanie Stallmeister cho hay, miền Trung đang đối diện với biến đổi khí hậu tương đối lớn và ngày càng tăng. Thách thức thứ hai nằm ở khía cạnh khử carbon. Theo bà Stefanie Stallmeister, miền Trung phải xem xét nền nông nghiệp phát thải thấp thế nào để xuất khẩu nông nghiệp duy trì tính cạnh tranh trên toàn cầu.

“Chỉ riêng khu vực ven biển, việc trì hoãn hành động trong 10 năm có thể làm mất đi 4,3 tỷ USD tăng trưởng kinh tế trước các cú sốc tự nhiên. Các hệ thống dựa vào thiên nhiên thường không được đánh giá đúng vai trò trong việc thúc đẩy khả năng phục hồi của vùng ven biển. 30 năm qua, Việt Nam đã mất hơn một nửa diện tích rừng ngập mặn, chủ yếu do phá rừng và lấy đất làm ao nuôi tôm”, bà Stefanie Stallmeister phân tích.

Nhìn nhận thực tiễn

Còn theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, địa phương đã và đang đón đầu xu thế, xác định chuyển đổi số là động lực để giải quyết các “điểm nghẽn”, tạo sự đột phá trong phát triển TP Đà Nẵng. Trong 2 năm liên tiếp (2020-2021), Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI và 3 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2020, 2021, 2022 ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”; năm thứ 3 liên tiếp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2022… Năm 2022, kinh tế số đóng góp 17% vào tăng trưởng GRDP của Thành phố.

Đặc biệt, địa phương đã xác định lại tỷ lệ cơ cấu kinh tế thành phố, theo đó phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khai thác tối đa ưu thế do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Trong đó, kinh tế tuần hoàn - tăng trưởng xanh là mô hình kinh tế hiện đại được cho là rất phù hợp với điều kiện, bối cảnh và nguồn lực của Đà Nẵng.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, định hướng của địa phương đang theo đúng xu hướng, nhu cầu của thế giới. Địa phương đã ban hành chương trình hành động về chuyển đổi xanh với các lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo và tài nguyên nước kèm theo 80 phương án giải pháp cụ thể.

Đối với du lịch, Lâm Đồng tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, hội nghị hội thảo và du lịch tâm linh. Lâm Đồng còn tạo sản phẩm mới như du lịch về văn hóa, về khoa học, giáo dục và thành công du lịch canh nông. Lâm Đồng xây dựng du lịch trên nền tảng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, địa phương có 3 điểm du lịch canh nông đạt chuẩn quốc tế, với một khu chỉ 5ha một năm đón 3 triệu du khách đạt được 5 triệu USD, gấp 10 lần tiêu chuẩn quốc tế về doanh thu.

Về chuyển đổi số, Lâm Đồng đa số ứng dụng giải pháp công nghệ từ xa cũng điều chỉnh được khí hậu, nhiệt độ, tưới tiêu ở trang trại của mình. Lâm Đồng có 26 trang trại ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ 50% cả nước. Về ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch, năm 2022 là năm kỷ lục tăng trưởng 38% so với kế hoạch. Năm 2021 Đà Lạt trở thành thành phố top đầu thông minh.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh. Không chỉ lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, trong đó tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như phát triển công nghiệp đi đôi với kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin và phần mềm… cũng như tận dụng nguồn lực từ tổ chức quốc tế như hợp tác Ngân hàng ADB. Trong đó, Nghị quyết 54-NQ/TW 2019 là cơ chế giúp địa phương cụ thể hóa đạt được mục tiêu đã đề ra các chỉ tiêu.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn, lãnh đạo địa phương thuộc khu vực Miền Trung - Tây Nguyên cũng nhìn nhận, cần nguồn lực tài chính lớn, cần tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút nguồn lực từ bên ngoài như vốn, tài chính xanh, công nghệ, tri thức cho quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số theo phương châm “nội lực là cơ bản, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá”.

Tin cùng chuyên mục