Thầy giáo của con rất dân chủ

Thầy giáo của con rất dân chủ

1. Nghe mẹ hỏi ngày đầu tiên tựu trường có điều gì vui nhất, thích nhất, cậu học trò lớp 4 trả lời: “Có nhiều chuyện vui lắm mẹ ạ. Nhưng con thích nhất là thầy chủ nhiệm mới rất dân chủ và công bằng. Thay vì sắp xếp chỗ ngồi như mọi năm là bạn nào cao hơn thì ngồi bàn sau cùng, bạn nào thấp thì ngồi những bàn phía trên, năm nay thầy cho chúng con chọn chỗ ngồi theo ý thích. Rồi thầy bảo rằng các con được quyền chọn chỗ ngồi của mình và hãy chia sẻ, yêu thương với bạn ngồi bên cạnh nhé!”. Được chọn chỗ ngồi cùng với những người bạn mà học trò yêu thích, các em cảm thấy mình được tôn trọng, được lắng nghe. Sự cởi mở thân thiện của thầy chủ nhiệm không chỉ mang đến thông điệp các em có quyền được làm gì mình thích mà còn gắn kết sợi dây yêu thương, nhân ái giữa học trò với nhau. Từ yêu thương, sẻ chia và gắn kết, các em sẽ học tốt hơn, sống nhân văn hơn và nói không với hành vi bạo lực học đường.

2. Tương tự, việc bầu lớp trưởng mới vào dịp đầu năm học cũng thể hiện quyền dân chủ của học sinh trong bình chọn “thủ lĩnh” lớp học. Ở nhiều lớp học, phần đông giáo viên chủ nhiệm giao quyền này cho học sinh và tôn trọng kết quả bình chọn dân chủ, khách quan của học trò. Bởi lẽ, các em là người biết rõ nhất về năng lực, phẩm chất của người được chọn cũng như khả năng làm tốt vai trò “thủ lĩnh” lớp học của bạn mình. Chính vì thế, sự áp đặt hoặc can thiệp quá sâu của giáo viên chủ nhiệm trong việc bầu lớp trưởng sẽ khiến các em bất mãn, cảm thấy không được tôn trọng. Câu chuyện này là một minh chứng. Vào đầu năm học trước, H. được bầu làm lớp trưởng lớp 7 ở một trường THCS thuộc quận nội thành. Sở dĩ các bạn trong lớp tiếp tục tín nhiệm, bầu H. làm lớp trưởng vì ở năm học lớp 6, H. làm rất tốt vai trò này và được bạn bè yêu quý. Chẳng những học giỏi toàn diện, H. còn hay giúp bạn bè và rất công tâm trong việc “báo cáo giáo viên chủ nhiệm” về những trường hợp học sinh vi phạm nội quy, quy chế nhà trường… Thế nhưng, chẳng hiểu vì lý do gì, cô chủ nhiệm lại kêu H. xuống làm lớp phó phụ trách học tập và chỉ định một bạn nam khác làm lớp trưởng khiến cả lớp bất bình, mất niềm tin. Việc áp đặt, thiếu tôn trọng ý kiến và không tạo điều kiện phát huy quyền dân chủ tại lớp học là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy, làm giảm niềm tin của học trò đối với thầy cô. Không những thế, nó còn là mầm mống phát sinh sự mâu thuẫn, phản kháng của học trò…

Đổi mới giáo dục đòi hỏi mỗi giáo viên chủ nhiệm phải đổi mới tư duy, hành động, có kỹ năng sư phạm để trở thành đầu tàu của lớp học. Từ đó tạo sự hứng khởi trong học tập, sinh hoạt và gắn kết học sinh trong mái nhà chung thành một tập thể biết yêu thương, sẻ chia với nhau. Như vậy, ngoài tôn trọng suy nghĩ, chính kiến của học trò, phải tạo ra môi trường học đường dân chủ, công bằng. Ở đó, mỗi học sinh là một chủ thể độc lập có quyền phát huy năng lực về trí tuệ cùng năng khiếu, sở trường khác. Sự áp đặt và thiếu tôn trọng, thiếu công bằng trong hành xử của thầy cô sẽ giết chết đam mê, tài năng của học sinh.

HÀ KHANH

Tin cùng chuyên mục