Chợ Tân Bình

“Thế giới” đồ may sẵn

“Thế giới” đồ may sẵn

Tôi còn nhớ giai đoạn năm 1986-1987, mẹ tôi từ quê Quảng Ngãi vào chợ Tân Bình mua đồ cũ, hay còn gọi là đồ giũ, về quê bán lại. Lúc ấy, tôi chưa tới Sài Gòn bao giờ nên chợ Tân Bình xem như là tên chợ đầu tiên tôi biết trong các chợ ở TPHCM...

“Thế giới” đồ may sẵn ảnh 1

Quần áo may sẵn ở chợ Tân Bình rất phong phú. Ảnh: KHÁNH KHÔI

1. Nhắc lại chuyện trên để thấy rằng, thời đó chợ Tân Bình đã nổi tiếng là nơi bán đồ cũ và vải (dĩ nhiên vải không phong phú như bây giờ). Tìm hiểu lịch sử, tôi được biết ngôi chợ này xây dựng trước năm 1975 với tên gọi chợ Nguyễn Văn Thoại, có quy mô nhỏ.

Sau năm 1975, chợ được mở rộng, xây mới và đến năm 1991 thì trực thuộc UBND Q. Tân Bình. Chợ có tổng diện tích 22.000m2, được bao bọc bởi 4 con đường: Lý Thường Kiệt (mặt tiền), Lê Minh Xuân, Phú Hòa và Tân Tiến. Nhiều người cho rằng chợ Tân Bình nằm gần làng dệt Bảy Hiền (vang bóng một thời) nên có vai trò là điểm giao thương vải vóc đi cả nước.

Hồi trước, đồ cũ ở chợ Tân Bình được những người bán ve chai thu mua theo ký lô về bán cho tiểu thương để cung cấp lại cho các mối đổ đống bán lề đường hoặc đưa về tỉnh tiêu thụ. Cùng với đồ cũ nội còn có quần áo cũ ngoại nhập (gọi là hàng “si đa”). Mẹ tôi kể, hồi đó ở chợ Tân Bình nổi tiếng mặt hàng quần áo “tân trang” mà không chợ nào có: tiểu thương thu mua đồ cũ về tháo ra, lật mặt trái rồi may lại cho mới để bán cho người lao động nghèo. Chợ đồ cũ Tân Bình cũng là nơi hội tụ quần áo của kẻ ăn cắp đem bán lại nên có giai đoạn ai mất quần áo thường đến đây tìm.

2. Bây giờ, đồ cũ – đồ si đa ở chợ Tân Bình ít đi, chủ yếu là quần áo may sẵn và vải vóc (bán theo cây, ký, mét...) không chỉ cung cấp cho TPHCM mà còn cho các tỉnh. Phần lớn tiểu thương ở chợ Tân Bình đều có bạn hàng ở các chợ tỉnh, nhất là từ Thừa Thiên – Huế trở vào. Chợ Tân Bình còn là nơi cung cấp áo cưới các loại cho không ít shop đồ cưới cao cấp của cả nước.

Ban quản lý (BQL) chợ Tân Bình cho biết, định hướng của chợ vẫn là quần áo, vải, phụ liệu chuyên ngành may mặc. Điều này rất dễ thấy, không có ngôi chợ nào trong thành phố có số lượng sạp quần áo và vải chiếm hơn 80%. Hiện nay, chợ có 2.818 hộ kinh doanh với 3.196 sạp, chia thành 4 khu:

Khu 1 bán các loại quần áo, giày dép, túi xách; khu 2 chuyên về phụ liệu may mặc và hàng may sẵn; khu 3 bán vải và quần áo may sẵn; khu 4 – 1/2 số sạp bán đồ may sẵn, 1/2 số sạp còn lại bán thực phẩm, thịt, cá, hàng ăn uống. Hiện các sạp vải chợ Tân Bình có xu hướng thu hẹp lại và chuyển dần qua quần áo vì không gian để trưng bày vải cần phải rộng nên nhiều người dời ra các đường xung quanh chợ thuê mặt bằng để bán vải. “Buôn có bạn, bán có phường”, một số chủ sạp trước đây bán mặt hàng khác nhưng ế ẩm nên cũng dần chuyển qua bán quần áo hoặc vải.

3. Ông Nguyễn Văn Trường – Trưởng BQL chợ Tân Bình, hồ hởi nói: “Sở dĩ chợ Tân Bình thu hút nhiều người tiêu dùng, bạn hàng gần xa là do cung cách làm ăn của tiểu thương rất uy tín. Người bán hàng bây giờ rất nhạy với thị trường – nhất là trong thời cạnh tranh của sân chơi WTO. Hàng hóa ở chợ Tân Bình rẻ hơn nhiều nơi khác do các chủ sạp vừa kinh doanh ở chợ, vừa có xưởng ở nhà, bán số lượng nhiều hoặc lấy công làm lời. Đặc biệt, để phục vụ người bán và người mua (bạn hàng) ở các tỉnh chu đáo, BQL chợ đã thành lập nghiệp đoàn gần 50 người để bốc - dỡ - chuyển - giao hàng một cách an toàn và uy tín”.

Vừa qua, UBND TPHCM đã giao cho Công ty TANIMEX thực hiện dự án đầu tư cải tạo xây dựng chợ Tân Bình thành trung tâm thương mại - cao ốc văn phòng và kinh doanh theo hướng thương mại hiện đại nhưng vẫn giữ nét văn hóa chợ truyền thống. Dự kiến năm 2007 sẽ hoàn tất thủ tục để bắt tay vào xây dựng.

KHÁNH KHÔI

Tin cùng chuyên mục