Thế giới và “Cuộc chiến không khói thuốc lá”

Nói không với thuốc lá tại châu Âu, châu Mỹ
Thế giới và “Cuộc chiến không khói thuốc lá”

Ngày 22-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký đạo luật chống thuốc lá nghiêm khắc nhất trong lịch sử Mỹ, cho phép Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) có thêm nhiều quyền lực để quản lý ngành công nghiệp thuốc lá.

Nói không với thuốc lá tại châu Âu, châu Mỹ

Áp phích kêu gọi bỏ thuốc lá tại châu Âu.

Áp phích kêu gọi bỏ thuốc lá tại châu Âu.

Theo đạo luật vừa chính thức được ban hành tại Mỹ, FDA sẽ thắt chặt các quy định hàm lượng nicotine trong thuốc lá, điều chỉnh hàm lượng các chất trong các sản phẩm thuốc lá, cấm giới thiệu các sản phẩm mới.

Từ ngày 22-6, các gói thuốc lá muốn được lưu hành phải có nhãn hiệu cảnh cáo ở phía trước và phía sau của gói, bất cứ hoạt động bảo trợ thể thao và giải trí nào liên quan đến ngành thuốc lá đều bị cấm.

Với đạo luật mới, Mỹ đã trở thành một trong những quốc gia có ý thức tuyên chiến mạnh mẽ nhất với khói thuốc trong khu vực châu Mỹ nhưng vẫn được cho là muộn hơn so với các nước châu Âu.

Ireland là quốc gia đầu tiên nói không với khói thuốc trên thế giới. Ireland cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá ở nơi làm việc, quán rượu và nhà hàng. Động thái này đã khuyến khích những nước khác phác thảo các kế hoạch ra những luật tương tự. Sau đó Na Uy, Pháp, Hà Lan, Đức, Canada, Italia, Bỉ… lần lượt gia nhập vào danh sách các nước ở châu Âu thắt chặt quy định hút thuốc lá ở nơi công cộng.

Mỗi nước đều có một quy định và biện pháp chế tài riêng đối với những người nghiện thuốc lá. Hà Lan tuyên bố sẽ phạt từ 200 - 2.400 Eur nếu phát hiện có khói thuốc tại các quán café, nhà hàng và bar.

Trong khi Anh quốc lại có những biện pháp hỗ trợ những người đang muốn cai thuốc lá bằng dịch vụ miễn phí với nhiều loại hình hỗ trợ qua tổng đài, qua mạng, qua nhắn tin hay tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ.

Tại Đức, hầu hết các bang cấm hút thuốc lá ở các khu vui chơi giải trí, nơi đông người, các khu công sở, công viên... Các nhà hàng chỉ được phép cho khách hút thuốc tại các phòng riêng.

Các nước châu Âu buộc phải mạnh tay vì hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng chết trẻ tại EU - lực lượng lao động chính của khối này với con số đáng báo động, hàng năm có 650.000 người chết vì thuốc lá, tức có khoảng 1.800 người chết mỗi ngày.

...đến châu Á, Trung Đông

WHO dự đoán, trong 650 triệu người hút thuốc trên thế giới thì sẽ có 5 triệu người tử vong mỗi năm do những vấn đề sức khỏe liên quan đến thuốc lá. Nếu không kịp thời ngăn chặn, đến năm 2030, con số sẽ tăng lên hơn 8 triệu người, trong đó 80% sống ở các nước đang phát triển. Có tới gần 2/3 số người hút thuốc lá trên toàn thế giới tập trung ở 10 quốc gia: Trung Quốc (chiếm gần 30%), Ấn Độ (khoảng 10%), Indonesia, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Brazil, Bangladesh, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hướng đến một thế giới không khói thuốc không phải là một việc dễ dàng nhưng các biện pháp được áp dụng tại các nước châu Á trong thời buổi suy thoái kinh tế đã góp phần làm giảm tỷ lệ người nghiện thuốc. Biện pháp được nhiều quốc gia áp dụng nhất là tăng thuế thuốc lá.

Tại Trung Quốc, các hiệu thuốc lá đắt tiền bị tăng thuế từ 45% lên 56% trên mỗi gói và thuốc lá giá rẻ tăng từ 30% lên 36%. Cơ quan thuế Trung Quốc ước tính rằng biện pháp này sẽ giúp tăng thêm khoản thu 4,4 tỷ USD mỗi năm cho công quỹ.

Ấn Độ cũng ban hành nghiêm cấm việc hút thuốc lá tại các nơi công cộng như sân bay, ga xe lửa, trạm xe buýt, rạp chiếu bóng... Quảng cáo thuốc lá cũng được xem là hành động bất hợp pháp. Tại các cửa hàng bán thuốc lá, chủ hiệu bị bắt buộc phải treo trước cửa hàng các bảng cảnh báo với dòng chữ “Thuốc lá gây ung thư”, “Thuốc lá là thủ phạm giết người” và “Bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên là vi phạm pháp luật”.

Thái Lan, Singapore thì ngăn chặn việc hút thuốc lá bằng biện pháp yêu cầu trên mỗi bao thuốc lá phải có những hình ảnh cảnh báo ấn tượng và liên tục phát những đoạn phim ngắn trên truyền hình với những hình ảnh gây sốc về tác hại của thuốc lá. Cách thức phòng chống này đã mang lại thành công khi ít nhiều tạo được sự nhận thức về những nguy hiểm đến sức khỏe từ việc hút thuốc ở người tiêu dùng.

Vài năm trước, tại Ai Cập, quốc gia từng được xếp vào nhóm 15 nước tiêu thụ thuốc lá nhiều nhất thế giới, gạt tàn thuốc xuất hiện khắp mọi nơi, từ cầu thang máy đến phòng tắm, bởi hút thuốc lá trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày nhưng hiện nay hầu như không còn nữa vì lệnh cấm quảng cáo thuốc lá và hạn chế hút thuốc nơi công cộng của chính phủ.

Thanh Hằng (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục