
Bài 1: Nguy cơ về một “Trân Châu Cảng điện tử” trong tương lai
Quân đội Đức hiện nay - còn gọi là Bundeswehr - đang có chương trình huấn luyện đặc biệt cho đội ngũ các tin tặc (hacker) của mình. Tuy nhiên, Đức không phải là quốc gia duy nhất sử dụng các đơn vị hacker để bảo đảm an ninh của mình trước những mối đe dọa đáng lo ngại từ không gian điều khiển học - chẳng hạn như những cuộc tấn công kiểu khước từ phục vụ (denial-of-service attack). Chính phủ nhiều nước khác nhau trên thế giới cũng đang rất tích cực chuẩn bị cho tương lai của những cuộc chiến như vậy…
Đơn vị đặc biệt trong thành phần Bundeswehr

Thiếu tướng Friedrich Wilhelm Kriesel, 60 tuổi, hiện đang nắm trọng trách lãnh đạo Đơn vị trinh sát chiến lược (Strategic Reconnaissance Unit - SRU) trong quân đội Đức. Đây chính là đơn vị tiên phong trong một cuộc chiến đang thu hút sự chú ý đặc biệt của các quan chức hàng đầu trong Bundeswehr. Nhiệm vụ chính của Kriesel hiện nay là chuẩn bị cho những cuộc chiến trong tương lai, nhiều giai đoạn của nó rất có thể sẽ được tiến hành qua… Internet.
Với một đội ngũ khá hùng hậu khoảng 6.000 lính dưới quyền chỉ huy của Kriesel, đơn vị của ông hiện đang hoạt động với vai trò chẳng khác gì một cơ quan mật vụ.
Được bố trí tại một địa điểm được cách ly nghiêm ngặt với bên ngoài ở khu căn cứ quân sự Tomburg tại Rheinbach, một thị trấn tuyệt đẹp nằm gần Bonn, 76 nhân viên cao cấp nhất của Kriesel đang rất bận rộn thử nghiệm những phương pháp mới nhất nhằm xâm nhập, khai thác, điều khiển hay thậm chí tiêu diệt các mạng máy tính khác nhau.
Bộ phận này - được biết dưới cái tên chính thức nghe có vẻ rất “vô hại” là Cục xử lý thông tin và mạng máy tính, đang chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp về điện tử trong tương lai, trong đó có cả những cuộc tấn công dạng số từ các máy chủ và mạng máy tính từ bên ngoài.
Các hacker mặc quân phục tại Rheinbach chính là câu trả lời của nước Đức đối với một mối đe dọa ngày càng tăng, bắt đầu gây lo ngại thực sự cho nhiều chính phủ, cơ quan tình báo và quân đội ở khắp nơi trên thế giới. Máy tính ngày nay đã thực sự thâm nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong khi nguy cơ dễ bị tấn công của chúng cũng đang tăng lên tới mức độ đáng báo động.
Chẳng hạn như ngay tại Mỹ, các chuyên gia từ nhiều năm nay đã cảnh báo cần phải chuẩn bị sẵn sàng để đối đầu với nguy cơ của một “Trân Châu Cảng điện tử”, một “11-9 dạng số” hay một “Cybergeddon” (Ngày tận thế điều khiển học) trong tương lai.
Trước mối đe dọa hiện hữu
Không chỉ riêng Đức mà nhiều quốc gia cũng đang chuẩn bị rất tích cực cho việc đề phòng những mối đe dọa tương tự. Chẳng hạn, Mỹ đã lập kế hoạch đầu tư vài tỷ đô la vào một Chương trình phòng thủ điều khiển học của quốc gia. Nhiều cơ quan tình báo và quân đội phương Tây cũng đang cảnh báo về những nguy cơ của các hacker từ phương Đông.
Một báo cáo được trình lên Quốc hội Mỹ vào mùa thu năm ngoái đã kết luận rằng, các hacker từ phương Đông đang mở rộng khả năng tác động của mình, thậm chí “có thể làm giảm bớt ưu thế của nước Mỹ trong trường hợp có xung đột thực sự xảy ra”.
Nước Đức cũng từng có kinh nghiệm là nạn nhân của những đòn tấn công “quậy phá” kiểu này. Hai năm trước đây, Cơ quan bảo vệ hiến pháp liên bang - trên thực tế là Cơ quan tình báo đối nội của Đức - đã thông báo với chính phủ rằng, một vài mạng máy tính của các bộ, thậm chí cả văn phòng thủ tướng đã bị hacker bí mật tấn công và cài đặt một loại phần mềm nhằm thu thập thông tin nhạy cảm.
Nhận thức được tính chất nghiêm trọng của nguy cơ này, Chính phủ Đức hồi giữa tháng 1-2009 vừa đưa ra một dự thảo điều luật nhằm tăng cường an ninh thông tin cho chính phủ liên bang. Theo dự luật này - gần như chắc chắn được quốc hội thông qua vào tháng 3, Đức sẽ mở rộng và đầu tư cho Cơ quan an ninh liên bang về công nghệ thông tin, nhằm đảm bảo cơ quan này sẽ là “người gác cổng hữu hiệu” tại những điểm vào mạng máy tính nội bộ bên trong các cơ quan chính phủ.
Riêng về phía quân đội, Bộ trưởng Quốc phòng Franz Josef Jung từng chỉ thị phải thành lập một lực lượng điều khiển học từ 3 năm trước đây. Đó cũng chính là thời điểm ra đời đơn vị của tướng Kriesel. Tất cả 76 “chiến binh trên Internet” này của Đức chủ yếu đều tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin tại các trường đại học trong nước.
Mới đây, tướng Kriesel đã tự hào giới thiệu cho cấp trên một vài thành công đầu tiên của đơn vị đặc biệt này - trong đó có cả những hoạt động do thám điện tử tại Afghanistan. Các nhân viên của Kriesel còn đang chuẩn bị cho một vài chiến dịch nữa vào năm sau để thể hiện khả năng của mình, trong đó có cả yêu cầu mở một cuộc tấn công mô phỏng vào một mục tiêu thực tế.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, các binh sĩ của Kriesel áp dụng những phương pháp tương tự như những tên hacker tội phạm vẫn làm. Họ sẽ nghiên cứu cách bí mật cài đặt một phần mềm vào các máy tính bên ngoài thông qua email, CD-ROM hay đơn giản là khi chủ nhân máy tính đó truy cập vào một trang web đã “đặt bẫy” sẵn nào đó.
Các máy tính bị lây nhiễm này sau đó có thể tự động tải xuống từ Internet một vài chương trình độc hại bổ sung nào đó, chẳng hạn như các chương trình ghi nhận trình tự gõ trên bàn phím, tự động ghi lại nội dung của email, địa chỉ Internet hay mật khẩu… Những dữ liệu bí mật và riêng tư này sau đó sẽ được phần mềm tự động điều khiển máy tính gửi qua mạng tới một máy tính từ xa đã định trước nào đó.
Bài 2: Những nạn nhân đầu tiên
LINH NGA
(SGGP_12G)