Sinh viên có thẻ nhưng không dùng, vì sao?
Ghi nhận trên nhiều chuyến xe buýt mã số 86 Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng (tuyến áp dụng thẻ thanh toán tự động), lượng hành khách đi tương đối đông nhưng lác đác mới có người dùng thẻ.
Anh Nguyễn Minh Sơn, ngụ khu chung cư Hoàng Anh Gia Lai (huyện Nhà Bè), thường xuyên sử dụng xe buýt đi làm tại quận 1 cho biết, dùng thẻ thông minh đi xe buýt dễ dàng, thuận tiện vì không phải đưa tiền rồi chờ nhân viên thối lại như trước đây, tuy nhiên việc triển khai cũng còn nhiều mặt hạn chế, như việc nạp tiền vào thẻ hiện chỉ mới kết nối với một ngân hàng duy nhất, gây khó khăn cho người dùng khi nạp tiền vào thẻ.
Bên cạnh đó, thẻ chỉ thanh toán được một tuyến duy nhất, muốn đi các tuyến khác cũng phải trả tiền mặt. Anh Sơn cho rằng ngành xe buýt muốn thu hút và tạo thói quen cho hành khách sử dụng thẻ thanh toán, cần khắc phục những bất cập trên.
Cụ thể, kết hợp mở rộng thanh toán qua thẻ trên nhiều tuyến, thẻ phải kết nối với nhiều ngân hàng, ứng dụng công nghệ hiện đại hơn (hiện tại, thẻ phải đưa vào đúng vị trí mới thực hiện được). Trong khi đó, ở các nước, hành khách chỉ cần khoảng cách một sải tay là thẻ đã kích hoạt.
Em Nguyễn Khánh Minh, sinh viên ngành công nghệ Trường Đại học Tôn Đức Thắng, vừa bước lên xe móc thẻ ra nhá nhá trước thùng quẹt thẻ, rồi bỏ 2.000 đồng vào thùng và thò tay lấy phiếu in vé.
Khánh Minh cho biết, nhóm của em lên xe 9 bạn, bạn nào cũng làm thẻ nhưng chỉ quẹt một lần cho biết rồi giữ thẻ làm “kỷ niệm”! Hầu hết các bạn sinh viên trên tuyến này mong muốn thành phố có nhiều phương án dùng thẻ trừ phí linh hoạt dành cho sinh viên, chứ không thể áp dụng kiểu đồng loạt như hiện nay.
Sẽ điều chỉnh những bất cập
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về những bất cập trên, ông Nguyễn Văn Lèo, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vận tải TPHCM (Citranco) - đơn vị triển khai áp dụng thẻ thanh toán, cho rằng mới áp dụng lần đầu thì chắc chắn còn nhiều thiết sót và bất cập. Thông qua ý kiến của hành khách, công ty sẽ tổng hợp và kiến nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM xử lý, điều chỉnh.
Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Trần Chí Trung cho biết, việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và giải pháp vé điện tử thông minh nhằm tạo kênh thanh toán thuận tiện cho người dân đi xe buýt.
Đây cũng là công cụ giúp cơ quan chức năng quản lý và giám sát hiệu quả hoạt động trợ giá; cung cấp đầy đủ, chính xác khối lượng vận chuyển, doanh thu vận chuyển bằng xe buýt; đồng thời góp phần thực hiện chủ trương chung về không dùng tiền mặt. Hình thức này kiểm tra trực tuyến và tức thời được sản lượng, doanh thu trên từng tuyến, từng xe.
Công tác đối chiếu hàng tháng giữa doanh nghiệp vận tải và cơ quan quản lý nhà nước được đơn giản (giảm thiểu chi phí của hệ thống đối soát hiện tại). Có thể tích hợp với các loại hình công cộng khác như metro, xe buýt nhanh có đường dành riêng (BRT). Giảm chi phí so với vé giấy.
Nhằm khác phục những mặt còn hạn chế, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cùng với các đối tác, các đơn vị liên quan sẽ hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật, quy trình vận hành bảo trì, các nội dung khác để phù hợp với thực tế và sự phát triển đổi mới công nghệ, báo cáo Sở Giao thông Vận tải xem xét trình UBND TPHCM sớm triển khai chính thức hệ thống thanh toán tự động trong giao thông công cộng trên địa bàn thành phố.
“Trong tương lai, đây sẽ là một loại thẻ thuận tiện cho người dân khi đi xe buýt bằng công nghệ mới với nhiều chức năng thanh toán và sẵn sàng tích hợp, mở rộng để sử dụng một thẻ giao thông công cộng cho nhiều loại hình như metro, taxi, buýt đường sông, xe đạp công cộng...”, ông Trần Chí Trung nhấn mạnh.
Theo ông Trần Chí Trung, đến thời điểm này đã có hơn 500 thẻ được cấp; trong năm nay sẽ phát triển mở rộng kết nối thanh toán thẻ trên 16 tuyến xe buýt với khoảng 300 phương tiện. Mục tiêu của thẻ xe buýt thông minh nhằm hướng tới công nghệ mở hiện nay, có khả năng tích hợp trong thời gian tới với các dịch vụ thanh toán không chỉ phải sử dụng thẻ vật lý, mà còn có thể thông qua các tài khoản trên thiết bị di động với nền tảng công nghệ không tiếp xúc, như công nghệ NFC (Near-Field Communications), công nghệ QR code, thẻ tín dụng do các ngân hàng phát hành… |