“Thế trận lòng dân” giữa đại ngàn Tây Nguyên. Bài 1: Những chiêu bài kích động, dụ dỗ

Sau ngày đất nước thống nhất, các thế lực thù địch, phản động đã thành lập “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở bên ngoài, dùng tổ chức “Tin lành Đề Ga” làm công cụ phát triển lực lượng chống phá trong nước; sử dụng lực lượng phản động FULRO lưu vong tiến hành các hoạt động chống phá chính quyền. Người dân ở Tây Nguyên hẳn chưa quên những vụ biểu tình, bạo loạn xảy ra vào các năm 2001, 2004, 2008, gây mất an ninh, trật tự ở nhiều địa phương nơi đây.

Xúi giục dân biểu tình, vượt biên

Theo lời giới thiệu của người quen, những ngày giữa tháng 9-2019, chúng tôi đến buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk gặp ông Y Suếc Niê, 52 tuổi, là một trong những người tham gia vụ biểu tình năm 2004. Chỉ vào khu vườn cà phê của mình, ông Y Suếc vui mừng khoe, năm nay cà phê phát triển tốt, quả đậu chi chít, hứa hẹn một vụ mùa trúng đậm.

Khi chúng tôi nhắc đến chuyện tham gia biểu tình vào năm 2004, ông Y Suếc tỏ vẻ hối hận và thuật lại chuyện mình bị lừa phỉnh bằng cột mốc vào tối 8-4-2004.

“Khi đó, một số đối tượng lạ về buôn rỉ tai với mọi người hẹn rằng sáng 10-4-2004 ai có mặt ở TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) thì sẽ được cấp đất, tiền, ai không đi thì không có. Những người lạ mặt này còn đưa cho người dân những truyền đơn in bằng tiếng Ê Đê có nội dung người Kinh đã chiếm hết đất của người dân tộc và tới đây còn đuổi hết người dân tộc ra khỏi buôn làng, không cho theo đạo. Do đó, cần phải mau mau rời khỏi buôn làng để sang Mỹ sống cho sung sướng. Tưởng thật, rạng sáng 10-4-2004, tôi cùng bà con trong buôn kéo nhau ra Ngã 6 (TP Buôn Ma Thuột) tụ tập như lời chỉ dẫn. Tuy nhiên đến nơi, chúng tôi chẳng thấy ai cấp đất, cho tiền, cũng chẳng thấy ai đón bà con đi Mỹ cả”, ông Y Suếc kể.

“Thế trận lòng dân” giữa đại ngàn Tây Nguyên. Bài 1: Những chiêu bài kích động, dụ dỗ ảnh 1 Anh Y Suếc Niê (bên trái, buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ về quá khứ lầm lỡ của mình với Trưởng buôn Ea Mấp, ông Y Muynh Ê Ban. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Sau năm 2004, các thế lực phản động vẫn không ngừng tiến hành các hoạt động chống phá và vẽ ra “thiên đường ảo” ở ngoại quốc để dụ dỗ, lừa bịp dân Tây Nguyên vượt biên trái phép. Tại xã Ia Le (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), bà Siu H’BHem, Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho chúng tôi biết, từ năm 2001 đến nay, có 96 người dân địa phương đã vượt biên trái phép qua Campuchia và Thái Lan để được “đưa đi Mỹ”.

Một trong những người bị lừa ở xã là chị ARơng H’Tơ Lia (31 tuổi, ngụ tại làng Kênh Mék). Khi chúng tôi hỏi có còn muốn vượt biên sang Thái Lan để đi Mỹ sống sung sướng nữa không, chị H’Tơ liền bày tỏ: “Tôi đã bị lừa, đã nếm trải đủ bao tủi nhục và mất tiền, nên giờ không dại dột nữa đâu”.

Chị H’Tơ kể, vào đầu năm 2015, một người đàn ông lạ mặt gọi điện cho chị để khoe cuộc sống bên Mỹ giàu sang, phú quý, đồng thời chào mời đăng ký tham gia gói 200 suất đi Mỹ định cư. Người này nêu kinh phí là 50 triệu đồng, người đi tự bắt xe ra Hà Tĩnh, khi giao tiền sẽ có người chỉ đường qua Thái Lan, đến nơi sẽ có tổ chức đưa đi Mỹ liền.

“Nghe chuyện, chồng tôi nghi ngờ, còn tôi lúc đó bị viễn cảnh họ vẽ ra làm mờ mắt, nên quyết đi bằng được. Chồng tôi bấm bụng đi cùng. Thế là chúng tôi bán mảnh đất lấy 60 triệu đồng, bắt xe ra Hà Tĩnh rồi giao 50 triệu đồng tiền lộ phí cho một người bịt mặt, đầu trùm kín mũ len. Sau 1 ngày 2 đêm đi bộ băng rừng và đi xe khách, chúng tôi được đưa đến Thái Lan nhưng chẳng có ai đón đi Mỹ cả”, chị H’Tơ kể.

“Thế trận lòng dân” giữa đại ngàn Tây Nguyên. Bài 1: Những chiêu bài kích động, dụ dỗ ảnh 2 Vợ chồng chị ARơng H’Tơ Lia (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) trở về địa phương sinh sống sau thời gian vượt biên qua Mỹ theo lời dụ dỗ. ẢNH: HỮU PHÚC
Tổ chức phản động núp bóng tôn giáo

Các tỉnh Tây Nguyên có gần 1,8 triệu tín đồ tôn giáo. Cơ bản các tổ chức, tín đồ tôn giáo trên địa bàn hoạt động tuân thủ theo quy định của pháp luật, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; sống “tốt đời, đẹp đạo”, có nhiều cống hiến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Tuy nhiên, một số tổ chức đội lốt tôn giáo, lén lút hoạt động, gây phức tạp đời sống xã hội, trong đó có tà đạo Hà Mòn. Tà đạo Hà Mòn xuất hiện từ năm 1999 tại xã Hà Mòn (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) do bà Y Gyin, một người hành nghề thầy mo cầm đầu, sau đó xâm nhập vào một số làng đồng bào dân tộc Ba Na của tỉnh Gia Lai.

Tiếp chúng tôi tại Văn phòng Đảng ủy xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Đình Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hra, cho biết: “Hà Mòn không được công nhận là tôn giáo vì nó mang bản chất là tà đạo. Kẻ xấu đã về địa bàn, đưa ra những luận điệu vô cùng nhảm nhí, phi lý và trái với thuần phong mỹ tục của người dân tộc Ba Na, như: ai đi theo sẽ được Đức Mẹ che chở khỏi đau ốm, bất hạnh; người theo Hà Mòn chỉ cần đọc kinh mà không cần đi làm cũng có ăn, vay ngân hàng không trả thì cũng tự xóa được nợ. Những luận điệu lôi kéo dù phi lý nhưng vẫn có nhiều người dân Ba Na nhẹ dạ cả tin, dẫn đến nhiều hệ lụy”.

Cũng tại xã Hra, chúng tôi rảo bước đến làng Kret Krot. Chị Men, 28 tuổi, thấm thía kể: Năm 2012, chị nghe lời lôi kéo của kẻ xấu, tham gia tà đạo Hà Mòn. Lúc đó chỉ tập trung đọc kinh, ít đi làm, nương rẫy không ai chăm nên năng suất giảm, nhiều lúc cuộc sống thiếu cái ăn, cái mặc. Đến năm 2017, chị nhận ra sai lầm, rút chân khỏi tà đạo. Trở về hòa nhập với buôn làng, vợ chồng đồng lòng tập trung chăm sóc vườn tược nên ruộng vườn tốt tươi, đủ cái ăn, cái mặc, lo cho cái học hành.

Tại Đắk Lắk, Thượng tá Trương Hồng Quý, Trưởng phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, hoạt động này bắt đầu nhen nhóm Đắk Lắk từ năm 2006. Đến năm 2013, tà đạo này đã lôi kéo được 300 người, đa số là đồng bào dân tộc Xê Đăng ở buôn H’ring, xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar) tham gia.

Còn tại xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắk) có 71 hộ với hàng trăm người dân đi theo tà đạo Hà Mòn. Những người theo tà đạo Hà Mòn không còn tập trung vào làm ăn như trước, nên cuộc sống ngày càng lâm vào khó khăn, thậm chí họ sống ly khai, từ bỏ buôn làng, trốn ra rừng, bất hợp tác với chính quyền địa phương.

Trong quá trình hoạt động, Hà Mòn đã bị bọn FULRO lưu vong lợi dụng, móc nối với những phần tử đứng đầu các nhóm, lập ra bộ khung “Hà Mòn Tây Nguyên” và phân công người phát triển “điểm nhóm Hà Mòn”, mục đích là để Nhà nước phải công nhận là “tôn giáo riêng” và tiếp tục lợi dụng tôn giáo này vào mục đích phản động.

Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, nhận định: “Âm mưu của thế lực thù địch là kích động, dụ dỗ, lừa mị, tiêm nhiễm những tư tưởng xấu vào đồng bào dân tộc thiểu số nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa các dân tộc với nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Từ đó, các đối tượng phản động sẽ lợi dụng sơ hở, điểm yếu trong nước để thực hiện mục đích chính trị”.

Ông Hồ Hồng (69 tuổi, thị trấn Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) còn nhớ như in những ký ức về cuộc đụng độ với lực lượng phản động FULRO. Ông cho biết, lập chiến dịch truy quét FULRO, xã Quảng Phú đã thành lập Trung đội dân quân du kích gồm có 34 đồng chí do ông làm Trung đội trưởng.

Sau một thời gian mai phục và phát hiện lực lượng FULRO có hơn 100 tên đang đóng quân tại rừng khu vực đồi Cư Ké, đêm 30-5-1978, lực lượng dân quân du kích xã phối hợp với lực lượng bộ đội Tiểu đoàn 303 tổ chức tiếp cận mục tiêu, đến 4 giờ sáng ngày 1-6-1978, chia làm 2 mũi tấn công vào sào huyện của bọn chúng. Bọn chúng dùng hỏa lực phản công dữ dội, sau hơn 30 phút chiến đấu, lực lượng của ta đã trấn áp và tiêu diệt 10 tên FULRO, số còn lại rút chạy vào rừng hướng biên giới Campuchia.

Trong trận đánh này, một số dân quân du kích bị địch bắn bị thương, như trường hợp của ông Đoàn Minh Tuấn bị địch bắn bị thương ở mắt.

Tin cùng chuyên mục