Đông Timor non trẻ gặp khó khăn

Đông Timor non trẻ gặp khó khăn

Đông Timor giành độc lập quá sớm và không được điều hành tốt” - phát biểu của Thủ tướng Australia John Howard có thể đã phản ánh được bản chất của cuộc bạo động đang diễn ra ở đây. 
 

Đông Timor non trẻ gặp khó khăn ảnh 1
Đông Timor vẫn còn trong tình trạng bất ổn

Hiện các vụ giao tranh giữa quân chính phủ với quân nổi loạn đã giảm sau khi có sự xuất hiện của quân đội Australia. Trước đó, các cuộc bạo động đã làm hàng chục người chết và hàng chục ngàn người không dám ra đường hoặc phải tới nhà thờ tìm nơi ẩn náu. Phóng viên AFP có mặt tại Đông Timor cho hay tình hình hiện nay ở Đông Timor tương tự như năm 1999 trước khi Đông Timor độc lập.
 
Tổng thống Đông Timor Xanana Gusmao cứ lập đi lập lại rằng “tạo dựng một quốc gia cũng khó như cuộc đấu tranh giành độc lập”. Thật vậy, ngoài nguồn dầu khí khá dồi dào nhưng chưa được đầu tư khai thác, nền kinh tế Đông Timor non trẻ vẫn ngập trong khó khăn. Sản lượng của ngành nông nghiệp (với 80% dân số là nông dân) của Đông Timor thấp nhất trong số 11 thành viên ASEAN. Tỷ lệ sinh sản tăng đột biến và hiện thuộc hạng cao nhất thế giới. Hai thành phố lớn nhất là thủ đô Dili và Baucau có dân số đông nhưng công nghiệp không phát triển nên tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Chính phủ hoạt động dựa trên phần lớn tiền tài trợ từ nước ngoài.
 
Bạo động bắt đầu vào tháng 3-2006 khi 600 trong tổng số 1.400 binh sĩ bị sa thải do tham gia đình công. Nhóm binh sĩ này đã từ chối giao nộp vũ khí và đến tháng 4 thì bạo động ngày càng lan rộng. Phần lớn quân đội Đông Timor là thành viên của Falantil, nhóm du kích đã từng kháng cự lại quân đội Indonesia trong suốt 24 năm trước khi Đông Timor độc lập (chính thức vào năm 2002).

Falantil thuộc bộ tộc Firaku ở phía Đông tự xem mình là những người có công đem lại nền độc lập cho Đông Timor và hiện nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong Bộ Quốc phòng Đông Timor. Chính ưu thế này đã gây bất mãn trong số những người thuộc bộ tộc Kaladi ở phía Tây. Những binh sĩ thuộc Kaladi khi bị sa thải đã chống lại và cho rằng chỉ có Tổng thống Gusmao mới có quyền sa thải họ. Những người bị sa thải tự thành lập Phong trào vũ trang vì sự ổn định quốc gia Đông Timor đóng ở miền núi phía Nam và Tây thủ đô Dili.
 
Hơn ai hết, ngay từ khi tham gia huấn luyện binh sĩ cho Đông Timor, Australia đã nhận ra điều này. Lực lượng 1.300 quân của Australia giờ đây một lần nữa được Chính phủ Đông Timor yêu cầu trở lại. Lần này, Chính phủ Đông Timor trao toàn quyền về an ninh cho quân đội Australia. Quân đội đất nước chuột túi được phép bắn trả khi bị tấn công. Cùng với Australia, New Zealand, Bồ Đào Nha và Malaysia cũng tuyên bố gửi quân đội hoặc cảnh sát tới giúp Đông Timor khôi phục trật tự. 
 

VŨ MINH (Theo The Australian, AFP)

Tin cùng chuyên mục