Hơn 350 người chết do sóng thần tại Indonesia

Hệ thống cảnh báo chưa có tác dụng

Hệ thống cảnh báo chưa có tác dụng

Sóng thần tại khu vực Pangandaran, Indonesia ngày 17-7 đã gây tổn thất lớn về người và của với 357 người thiệt mạng, 200 người mất tích, 450 người bị thương và 52.700 người rời bỏ nhà cửa. Nhiều tòa nhà cao tầng và 645 tàu thuyền đã bị phá hủy.

Quân đội và cảnh sát Indonesia đã được điều tới khu vực bị sóng thần để tìm kiếm người mất tích. Hiện có hàng ngàn người rời bỏ nhà cửa nên rất cần lều bạt và thực phẩm. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã kêu gọi dân chúng nhanh chóng sơ tán khỏi những vùng bờ biển bị ảnh hưởng ở đảo Java, đồng thời chỉ thị quân đội nước này nhanh chóng hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả.

  • Những người thoát nạn

Hệ thống cảnh báo chưa có tác dụng ảnh 1
Một thi thể em bé chết do sóng thần.

Bãi biển Pangandaran thuộc thị trấn Ciamis, Tây Java, cách thủ đô Jakarta của Indonesia 270 km về phía Đông-Nam là nơi bị nặng nhất. Theo các nhân chứng tại đây, hầu hết các khách sạn, nhà hàng và nhiều tòa nhà khác bị sóng phá hủy. Nhiều nhân chứng kể lại rằng mọi người la lớn “sóng thần, sóng thần” và chạy tìm chỗ cao hơn trú ẩn do học được kinh nghiệm từ cơn sóng thần ở Aceh năm 2004.

Theo một số nhân chứng, con sóng đầu tiên cao 4m, sau đó các con sóng khác cao 2m. Một du khách người Bỉ, anh Ian nói: “Tôi thấy con sóng lớn đen ngòm ập đến và tôi vội lao tới lấy chiếc túi và chạy nhưng con sóng lôi tôi xuống. Tôi nghĩ số phận mình đã kết thúc”. May mắn thay, sau đó Ian vớ được một thùng mốp và anh cỡi sóng vào một khách sạn. Wayne Proctor, một giáo viên người Australia tại Jakarta đang đi dạo với vợ trên bờ biển thì nghe như tiếng thác đổ. Hai vợ chồng may mắn chạy lên trên đường thoát thân. Ông cho biết nếu ở trong khách sạn thì coi như cả hai đã chết vì phòng của ông nước ngập gần 2m.

  • Hệ thống cảnh báo sóng thần còn xa vời

Hệ thống cảnh báo chưa có tác dụng ảnh 2
Lực lượng cứu hộ cố gắng giải thoát cho nạn nhân bị vùi trong một ngôi nhà bị sập ở Pangandaran.

Sau khi xảy ra động đất, cả trung tâm cảnh báo sóng thần ở Thái Bình Dương đặt tại Hawaii và Cơ quan địa chấn Nhật Bản đều đã báo động sóng thần ở nhiều khu vực thuộc Indonesia và Australia. Tuy nhiên, một quan chức cơ quan địa vật lý ở Jakarta cho biết lời cảnh báo đã không đến được khu vực xảy ra thảm họa do ở đó không có hệ thống cảnh báo sớm sóng thần.

Theo Hãng thông tấn Antara của Indonesia, sau thảm họa sóng thần năm 2004, nước này đã lên kế hoạch lập hệ thống cảnh báo sóng thần gồm 25 bộ cảm biến đặt dưới đáy biển trên cả nước. Tuy vậy, cho tới nay chỉ mới có 2 địa điểm được triển khai ở Sumatra, tại Java thì chưa có cái nào. Theo dự kiến, hệ thống này phải hoàn thành vào cuối năm 2008 nhưng đang còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí.

Ngày 18-7, lực lượng cứu trợ nhân đạo Liên hợp quốc, Chương trình phát triển LHQ, Quỹ Nhi đồng LHQ và Tổ chức Y tế thế giới đã được triển khai đến khu vực bị sóng thần để giúp chính quyền và người dân khắc phục hậu quả.

Trong số những người thiệt mạng có 3 người Ả Rập, 1 người Pakistan, 4 người Hà Lan, 1 người Nhật Bản,1 người Thụy Điển... Chiều 18-7, PV báo SGGP đã liên hệ với ông Bùi Quang Hùng, phụ trách thông tin tại Đại sứ quán Việt Nam và được ông cho biết: Theo thông tin văn phòng Đại sứ quán nắm được hiện chưa có trường hợp nạn nhân là người Việt.

V.M. (Theo Reuters, AFP, JP, Antara)

Thông tin liên quan

Số người chết do sóng thần đã lên hơn 300

Gần 200 người chết và bị thương 

Tin cùng chuyên mục