Thảm họa lịch sử tại Campuchia khiến 380 người chết, hơn 760 người bị thương

Số người chết tăng liên tục
Thảm họa lịch sử tại Campuchia khiến 380 người chết, hơn 760 người bị thương

Ngày cuối cùng của lễ hội té nước ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã kết thúc trong không khí hoảng loạn, ngột ngạt vì sự mất mát quá lớn về tính mạng. Số thương vong liên tục tăng và chắc chắn vẫn chưa dừng lại ở con số 380 người thiệt mạng, 760 người bị thương…

Những người tham gia lễ hội chen lấn, giẫm đạp nhau trong lúc hoảng loạn. Ảnh: AFP

Những người tham gia lễ hội chen lấn, giẫm đạp nhau trong lúc hoảng loạn. Ảnh: AFP

Số người chết tăng liên tục

Tờ Phnom Penh Post dẫn thông tin do Thủ tướng Campuchia Hun Sen cung cấp, tính đến cuối ngày 23-11, số người thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp ở Campuchia đã lên đến 380 người và hơn 760 người bị thương. Hiện 13 xe quân đội đang thay phiên chở xác các nạn nhân từ bệnh viện Calmette (bệnh viện chính tiếp nhận những nạn nhân bị thương nặng) về khu vực trung tâm để sau đó chuyển về gia đình. Phía ngoài bệnh viện, người thân của các nạn nhân chen chúc chờ được vào để nhận diện. Không khí tang thương, nặng nề bao trùm tất cả. Các nhóm cứu hộ vẫn đang tiếp tục dọn dẹp hiện trường vụ thảm họa. Xác người chết vừa được vớt lên được đặt cạnh nhau ngày càng nhiều.

Người dân đến nhận diện những nạn nhân bị thiệt mạng.

Người dân đến nhận diện những nạn nhân bị thiệt mạng.

AFP trích thống kê của cảnh sát Campuchia, hầu hết nạn nhân là thanh thiếu niên và 2/3 là phụ nữ.

Thông tin ban đầu cho hay, có khoảng 4 triệu người đang tập trung ở khu vực trung tâm lễ hội (cũng có báo cáo cho rằng chỉ có 2 triệu người). Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến thảm họa, nhưng nguyên nhân được nhắc tới nhiều nhất là vì lực lượng an ninh muốn giải tán bớt đám đông bất ngờ đổ dồn lên cầu Koh Pic khi một số nhân chứng kể lại, có ai đó trong đám đông nói rằng cầu đang rất yếu, phải nhanh chóng thoát ra.

Trước tình huống bất ngờ này, cảnh sát Campuchia đã dùng vòi rồng xịt mạnh vào đám đông. Không may, cách xử lý này đã khiến người dân hoảng loạn, xô đẩy nhau. Một số người bị giẫm đạp đến chết. Một số thì nhảy hoặc bị đẩy xuống sông Tongle Sap bị chết đuối, hoặc bị điện giật vì vướng phải những dây đèn trang trí được mắc quanh khu vực hồ trong dịp lễ hội. Tuy nhiên, ông Khieu Kanharith, phát ngôn viên Chính phủ Campuchia, đã bác bỏ thông tin này. Cầu Koh Pic là cầu treo dẫn từ thủ đô Phnom Penh ra đảo Kim Cương, nơi đang tổ chức biểu diễn hòa nhạc, lễ hội ẩm thực và điêu khắc băng trong đêm cuối của lễ hội.

Đau đớn tột cùng

Anh Kruon Hay (23 tuổi), người may mắn sống sót trong thảm họa, vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại: “Chúng tôi đang chen chân chật cứng ở trên cầu, hướng về đảo Kim Cương thì bỗng nhiên nghe những tiếng hét thất thanh từ xung quanh. Mọi người dồn ép nhau chặt hơn, tôi có cảm giác hụt chân và ngã theo đám đông. May mắn, có ai đó kéo tôi dậy và đẩy tôi về phía trước. Tôi thấy rất nhiều người nhảy từ trên cầu xuống sông. Tất cả rất hỗn loạn…”.

Một nạn nhân 26 tuổi đang được điều trị tại bệnh viện Hữu nghị Campuchia-Xô Viết vừa khóc vừa nhớ lại: “Trước khi thảm họa xảy ra, nơi đây rất náo nhiệt. Chung quanh tôi là những bạn trẻ nói cười, đùa giỡn và huýt sáo vui vẻ. Rồi đột ngột, tôi bị đẩy mạnh từ phía sau. Quanh tôi, không ai có thể di chuyển mà chỉ ghì chặt vào nhau, chúi người về phía trước rồi lại bị đẩy ngược ra sau, cho đến khi cùng ngã xuống. Cả đời, tôi chưa bao giờ gặp cảnh tượng này bao giờ. Một số người giữ được thăng bằng tốt và cảnh sát đứng ở cạnh đó đã kéo tôi về từ cõi chết”.

Đau đớn tột cùng trước thi thể người thân của mình.

Đau đớn tột cùng trước thi thể người thân của mình.

Quang cảnh nơi chỉ vài giờ trước còn là lễ hội tưng bừng giờ chìm trong tang thương. Xác người chết, người bị thương cùng giày dép, vật dụng cá nhân của họ vương vãi trên mặt hồ, trên đường phố. Tại các bệnh viện địa phương, người bị thương nằm la liệt để chờ được cứu chữa. Người nhà của nạn nhân vẫn chưa qua cơn hoảng loạn khi thấy những cảnh tượng quá đau đớn này. Tất cả đổ dồn về khu vực bệnh viện hoặc những bãi xác được dựng tạm để tìm người thân của mình. Vang khắp nơi là tiếng gào tên người thân,  tiếng khóc thương ai oán. 

Lời xin lỗi không mong đợi

Cảnh sát Campuchia tham gia cứu hộ tại hiện trường. Ảnh: AFP

Cảnh sát Campuchia tham gia cứu hộ tại hiện trường. Ảnh: AFP

Hơn 2 giờ sáng ngày 23-11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen xin lỗi người dân trên sóng truyền hình trực tiếp. Ông Hun Sen mô tả vụ việc là giờ phút đen tối nhất trong lịch sử Campuchia  kể từ thời chế độ Pol Pot. Ủy ban điều tra về nguyên nhân dẫn đến thảm họa cũng như điều kiện an ninh ở lễ hội đã được thành lập. Thủ tướng Hun Sen kêu gọi các bác sĩ cố gắng hết sức để cứu sống những nạn nhân đang được cấp cứu ở các bệnh viện.

Đồng thời, ông Hun Sen cũng tuyên bố ngày thứ năm 25-11 là ngày quốc tang dành tưởng niệm những nạn nhân xấu số. Ở cả 3 lần xuất hiện trên kênh truyền hình Bayon của Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đều nói rằng, đây là một trong những cú sốc lớn nhất trong cuộc đời ông.

Chính phủ Campuchia cho biết sẽ hỗ trợ gia đình mỗi người dân bị thiệt mạng 1.250 USD và mỗi người bị thương 250 USD. Cho đến nay, Chính phủ Campuchia vẫn chưa đưa ra được mức tổn hại về vật chất cụ thể, ngoài thiệt hại về người vẫn tiếp tục được cập nhật.

Như Quỳnh

8 người Việt Nam thiệt mạng

Tham tán Sứ quán Việt Nam tại Campuchia, ông Trịnh Việt Long, cho biết: tính đến cuối ngày 23-11, có 8 người Việt Nam thiệt mạng, 8 người bị thương và 5 người mất tích trong thảm họa trên. Trong đó đã xác định danh tính 3 người thiệt mạng: Nguyễn Thị Nhớ (22 tuổi), Nguyễn Thị Chại (18 tuổi), Nguyễn Văn Cu (12 tuổi) và 5 người bị thương (Dương Thị Gái, 26 tuổi; Nguyễn Thị Cuông, 27 tuổi; Nguyễn Thị Hêng, 26 tuổi và Chamroeun Minia, 8 tuổi; Nguyễn Thị Thắm, 38 tuổi).

P.Nam

Lãnh đạo nước ta gửi điện chia buồn

Được tin tối 22-11-2010, trong lễ hội té nước diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia đã xảy ra thảm họa lớn làm hơn 300 người chết và hàng trăm người bị thương, ngày 23-11-2010, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi điện chia buồn đến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Samdech Hun Sen; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gửi điện chia buồn đến Chủ tịch Thượng viện Samdech Chea Sim và Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng đã gửi điện chia buồn đến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Nam Hong.

Trong các bức điện, lãnh đạo Việt Nam đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến lãnh đạo, nhân dân Campuchia và gia quyến những người bị nạn và tin tưởng nhân dân Campuchia anh em sẽ vượt qua đau thương to lớn này.

TTXVN

Thế giới chia buồn và gửi cứu trợ khẩn cấp

Ngày 23-11, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, trước thông tin có nhiều người dân Campuchia bị thiệt mạng và bị thương trong vụ giẫm đạp tại lễ hội rước nước truyền thống hàng năm tại thủ đô Phnom Penh - Campuchia, với tư cách thành viên sáng lập và giữ vị trí chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Campuchia (AVIC), BIDV đã vận động cán bộ công nhân viên chung tay, chia sẻ khó khăn với Chính phủ, nhân dân và các gia đình có người bị nạn Campuchia. Đến cuối giờ chiều ngày 23-11, BIDV đã quyên góp được 150.000 USD từ sự đóng góp của gần 15.000 cán bộ nhân viên. Số tiền trên sẽ được BIDV chuyển tới Hội Chữ thập đỏ Campuchia trong thời gian sớm nhất để chuyển tới các gia đình có người bị nạn.

Thái Lan tuyên bố gửi 30.000 USD để hỗ trợ Campuchia giải quyết thảm họa trong vụ lễ hội. Thủ tướng Thái Lan Abhisit cho biết, sẵn sàng trợ giúp Campuchia nếu nước này yêu cầu hỗ trợ sau thảm họa.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thay mặt Tổng thống Barack Obama và toàn thể người dân Mỹ gửi lời chia buồn sâu sắc đến nhân dân Campuchia, đến các gia đình có nạn nhân thiệt mạng trong vụ giẫm đạp.   

M.Hạnh - T.Hằng

Những vụ giẫm đạp kinh hoàng trên thế giới

7-1990: 1.426 người chết do ngạt thở hoặc bị giẫm đạp ở khu vực hầm Mina ở Saudi Arabia.

5-1994: 270 người chết do xô lấn trong lễ hội Hajj ở Saudi Arabia.

8-1994: 150 người chết tại một nhà thờ ở thủ đô Brazzaville, Congo.

10-1996: 90 người chết vì bị giẫm đạp trong lúc chen vào theo dõi một trận đấu ở sân vận động Mateo Flores của Guatemala.

4-1998: 118 người chết tại khu vực hầm Mina ở Saudi Arabia.

5-2001: 126 người chết khi chen lấn ở một sân vận động tại thủ đô Accra của Ghana.

2-2004: 251 người chết khi giẫm đạp ở hầm Mina ở Saudi Arabia.

1-2005: 257 người chết trong vụ giẫm đạp trong đợt hành hương của những người theo đạo Hindu ở Ấn Độ.

1-2006: 364 người chết tại hầm Mina trong lễ hành hương ở Saudi Arabia.

8-2008: 150 người chết tại một ngôi đền Hồi giáo ở Ấn Độ do có tin đồn sạt lở đất.

9-2008: 224 người chết tại một ngôi đền Hồi giáo ở Ấn Độ.

H.Nhi

>> Giẫm đạp tại Campuchia, hàng trăm người thương vong

Tin cùng chuyên mục