Cuộc biểu tình “Hãy chiếm phố Wall”: Mùa xuân Arab đã lan đến Mỹ

Từ Hạ Manhattan đến cầu Brooklyn
Cuộc biểu tình “Hãy chiếm phố Wall”: Mùa xuân Arab đã lan đến Mỹ

Tối 1-10 (giờ địa phương), tức sáng 2-10 (giờ VN), giới chức TP New York (Mỹ) buộc phải tạm ngừng hoạt động giao thông qua cầu Brooklyn vì cây cầu này bị hàng trăm người phong tỏa trong cuộc biểu tình “Hãy chiếm phố Wall”. Cảnh sát được huy động đến và bắt giữ hơn 700 người. Theo New York Times, những người biểu tình đã khẳng định đây là một cuộc cách mạng thật sự.

Đoàn người biểu tình kéo từ Hạ Manhattan đến cầu Brooklyn.

Đoàn người biểu tình kéo từ Hạ Manhattan đến cầu Brooklyn.

Từ Hạ Manhattan đến cầu Brooklyn

Cầu Brooklyn là một trong những cây cầu treo lâu đời nhất tại Mỹ bắc qua sông East và là trục giao thông chính của thành phố hiện đại này. Khoảng 700 người phản đối đã bị bắt giữ khi tham gia cuộc biểu tình tràn tới phong tỏa cầu Brooklyn. Theo AFP, cảnh sát đã đàn áp người biểu tình bất chấp cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình.

Tại khu vực Hạ Manhattan (Low Manhattan), trung tâm tài chính ngân hàng của Mỹ, hàng trăm người biểu tình đã phong tỏa đường phố và làm tắc nghẽn giao thông. Người biểu tình đánh trống, thổi còi và giơ cao biểu ngữ phản đối gói cứu trợ của chính phủ dành cho ngân hàng, tập đoàn tư bản và sự ảnh hưởng của các tập đoàn tư bản đối với chính trị. Theo họ, các định chế tài chính lớn hủy hoại nền kinh tế tại phố Wall, cho nên chính phủ không nên đổ thêm tiền để cứu các ngân hàng hoạt động không hiệu quả.

Từ 2 tuần trước, người biểu tình phố Wall bắt đầu chiếm giữ một công viên nhỏ ở Hạ Manhattan nhằm phản đối kế hoạch giải cứu các tập đoàn tư bản và ảnh hưởng của các định chế tài chính trong nền chính trị.

Sau 2 tuần xuống đường, hôm chủ nhật, những người biểu tình đã xuất bản một ấn phẩm với tên gọi Occupy Wall Street Journal (Tạp chí Chiếm phố Wall) với số lượng lên đến 50.000 bản. Tờ báo ra đời nhờ 2 nhà báo độc lập ở New York bắt đầu chiến dịch dùng diễn đàn Kickstarter gây quỹ trên mạng. Tờ báo có 4 trang với bài báo của Arun Gupta, một trong hai lãnh đạo chủ chốt của cuộc biểu tình, được đưa lên trang nhất dưới tiêu đề: “Cuộc cách mạng bắt đầu ở quê nhà”, một bài viết của cựu phóng viên chiến tranh của tờ New York Times Chris Hedges kêu gọi nhân dân xuống đường, và “Tuyên bố chiếm đóng” được thông qua trong một cuộc họp của những người biểu tình vào ngày 29-9.

Dự kiến cuộc tuần hành tiếp theo sẽ diễn ra vào chiều ngày 5-10.

Giải pháp “thuế Buffett” có đủ?

Cuộc biểu tình nhằm hối thúc Tổng thống Mỹ Barack Obama thành lập một ủy ban chấm dứt sự chi phối của đồng tiền đến các vấn đề chính trị. Tháng trước, ngay khi xảy ra cuộc biểu tình đầu tiên chiếm giữ phố Wall, Tổng thống Mỹ đã đưa ra đề xuất tăng thuế đối với người giàu nhằm đảm bảo những triệu phú sẽ đóng một mức thuế tối thiểu là bằng với tầng lớp trung lưu hay còn gọi là thuế “Buffett” do tỷ phú Warren Buffett đề xuất. Ông cho rằng hệ thống thuế như hiện nay đã làm tăng khoảng cách giàu-nghèo khi bản thân ông chỉ phải đóng mức thuế thu nhập là 17,4%, tỷ lệ chỉ bằng một nửa so với mức thuế suất trung bình của một số nhân viên trong văn phòng.

Những định chế tài chính hiện tại của nước Mỹ được đánh giá là chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và đẩy gánh nặng thuế má sang những người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc nghèo khó. Tuy nhiên, theo đa số công chúng Mỹ, để giảm được khoảng cách giàu nghèo này, trên thực tế việc tăng thuế thu nhập của giới nhà giàu Mỹ là chưa đủ.

Sự bất bình đẳng nghiêm trọng nhất tại Mỹ không phải là thu nhập mà là tài sản. Nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ kiếm tương đương 21% thu nhập quốc gia, nhưng sở hữu tới 35% tổng tài sản quốc gia. Chính quyền Washington cần áp thuế đánh trực tiếp lên tài sản của giới nhà giàu. Trên thực tế, từ năm 2008, Pháp, Na Uy, Thụy Sĩ và 5 quốc gia khác thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đã áp dụng loại thuế này.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục