Hy Lạp sẵn sàng từ bỏ trưng cầu dân ý

Sức ép với Hy Lạp
Hy Lạp sẵn sàng từ bỏ trưng cầu dân ý

Ngày 3-11, Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 khai mạc tại Cannes, Pháp, với trọng tâm là “cú sốc” Hy Lạp gây tác động xấu đến thị trường tài chính toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G20 giờ đây buộc phải đối mặt với sức ép rất lớn trước câu hỏi liệu có nên để Hy Lạp tiếp tục nằm trong eurozone hay không.

Các nhà lãnh đạo G20 lo lắng về tương lai của nền kinh tế eurozone.

Các nhà lãnh đạo G20 lo lắng về tương lai của nền kinh tế eurozone.

Sức ép với Hy Lạp

Ngay trong ngày khai mạc, vấn đề giải quyết khủng hoảng nợ công đã phủ bóng đen lên chương trình nghị sự. Bên cạnh đó, các nước tham dự sẽ tập trung thảo luận 6 vấn đề khác quan trọng, mang tính toàn cầu: khôi phục sự tăng trưởng; cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế; cải cách sự lãnh đạo thế giới; đấu tranh chống lại sự gia tăng đột biến về giá cả nông nghiệp thực phẩm; điều chỉnh thị trường tài chính và tăng cường hỗ trợ tài chính đối với sự phát triển.

Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Đức Merkel muốn nhân dịp hội nghị G20 huy động sự ủng hộ quốc tế đối với kế hoạch cứu trợ tài chính của châu Âu dành cho Hy Lạp, trong đó có khả năng đóng góp tài chính của những nước có dự trữ ngoại tệ lớn như Trung Quốc, Brazil và Hàn Quốc.

Cùng ngày, dưới sức ép của Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Hy Lạp Papandreou tuyên bố sẵn sàng từ bỏ trưng cầu dân ý về gói cứu trợ của châu Âu nếu ông đạt được thỏa thuận với đảng đối lập. Ông Papandreou đang phải đối mặt với áp lực từ chức trong nội bộ đảng cùng phe đối lập và để một chính phủ liên minh phê chuẩn kế hoạch cứu trợ của châu Âu.

Đã xuất hiện nhiều tin đồn về khả năng ông Papandreou từ chức. Tuy nhiên, hai quan chức tại văn phòng thủ tướng đã bác bỏ thông tin này.

Trước đó, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức, hai nền kinh tế có tiếng nói lớn trong eurozone tuyên bố Hy Lạp sẽ không nhận được thêm bất cứ gói cứu trợ nào từ châu Âu cho đến khi nước này chấm dứt được tình trạng bất ổn và nhất trí tuân thủ những cam kết đối với khu vực.

Lãnh đạo EU và IMF ra tối hậu thư yêu cầu Hy Lạp làm sáng tỏ những quan ngại nảy sinh sau tuyên bố của ông Papandreou và lần đầu tiên đã công khai thảo luận khả năng một nước thành viên phải ra khỏi eurozone, điều không được coi là một lựa chọn đối với EU trong nhiều tháng nay.

Nguy cơ hiệu ứng dây chuyền

Kế hoạch trưng cầu dân ý gây sốc của chính phủ Hy Lạp đã gián tiếp tạo sự bấp bênh cho việc giải quyết nợ công của nhiều quốc gia châu Âu. Tuyên bố đã khiến các đối tác quốc tế cùng các chủ nợ của Hy Lạp hoảng hốt và gây ra tình trạng hỗn loạn trên các thị trường tài chính khi giới đầu tư ngán ngẩm về viễn cảnh vỡ nợ đầy rối loạn cùng khả năng Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng euro gồm 17 thành viên.

Thủ tướng Ý Berlusconi cũng rơi vào tình cảnh bấp bênh sau khi không đạt được đồng thuận về kế hoạch đối với khoản nợ lớn đầy nguy hiểm. Bồ Đào Nha cũng đòi những điều khoản linh hoạt hơn cho gói cứu trợ của nước này.

Ngân hàng trung ương châu Âu ngày 3-11 cũng đưa ra một quyết định đầy bất ngờ, cắt lãi suất xuống 1,25% để phản ứng lại tình trạng hỗn loạn về tài chính.

Sau tuyên bố của Thủ tướng Hy Lạp, các thị trường chứng khoán trên thế giới đồng loạt tăng điểm trong ngày 3-11.

Trên thực tế, để cứu một nền kinh tế nhỏ như Hy Lạp không phải là chuyện lớn với châu Âu khi chỉ riêng Quỹ Bình ổn tài chính (FESF) cũng đã đủ lực để cứu Hy Lạp. Điều quan trọng hơn với châu Âu là cứu Hy Lạp để tránh khủng hoảng lây lan và tạo thành hiệu ứng dây chuyền trong khu vực. Vì thế, nếu Hy Lạp sụp đổ, nguy cơ rất lớn tiếp theo sẽ đến với Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Đó mới chính là kịch bản đáng sợ bởi chỉ riêng Ý với số nợ công gần 1.900 tỷ EUR (chiếm 120% GDP nước này) đã quá lớn để giải cứu.

Thanh Hằng

>> “Cú sốc” Hy Lạp nhấn chìm thị trường tài chính thế giới 

Tin cùng chuyên mục