Quân đội Ai Cập “Bế quan tỏa cảng” hàng loạt quan chức

Quân đội giải tán Quốc hội
Quân đội Ai Cập “Bế quan tỏa cảng” hàng loạt quan chức

Ngày 13-2, quân đội bắt đầu giải tán đám đông tụ tập trên quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo. Theo nhiều chuyên gia, sự thay đổi ở Ai Cập đã chính thức đưa cục diện ngoại giao của những quốc gia liên quan sang một giai đoạn mới.

Quân đội Ai Cập giúp người biểu tình dỡ bỏ lều tạm tại khu vực quảng trường Tahrir. Ảnh: AFP

Quân đội Ai Cập giúp người biểu tình dỡ bỏ lều tạm tại khu vực quảng trường Tahrir. Ảnh: AFP

Quân đội giải tán Quốc hội

Theo AP, quân đội Ai Cập ngày 13-2 đã giải tán Quốc hội và tạm thời đình chỉ việc thi hành Hiến pháp, đáp ứng hai yêu cầu chính yếu của người biểu tình. Thủ tướng Ai Cập Ahmed Shafiq tuyên bố ưu tiên hàng đầu của chính quyền hiện nay là khôi phục an ninh và trật tự trong nước. Hội đồng Quân sự tối cao Ai Cập đã tuyên bố nội các của cựu Tổng thống Mubarak, hiện gồm nhiều nhân vật quân sự cấp cao, sẽ tiếp tục tại nhiệm cho tới khi một chính phủ dân sự mới được thành lập.

Theo AFP, Hội đồng Quân sự tối cao Ai Cập đã cam kết sẽ đảm bảo tự do dân chủ của người dân, đồng thời tôn trọng sự dân chủ và tôn trọng Hiệp ước Hòa bình Ai Cập – Israel tồn tại 30 năm qua.

Theo kênh truyền hình Al Arabia, nhằm làm rõ trách nhiệm vén màn bí mật những vấn đề gây bức xúc trong xã hội Ai Cập suốt thời gian qua, quân đội Ai Cập đã cấm 43 thành viên và cựu thành viên chính phủ đi lại hoặc rời khỏi đất nước. Hãng MENA đưa tin, công tố viên Abdel Maguid Mahmoud đã ra lệnh cấm cựu Thủ tướng Ahmed Nazif và đương kim Bộ trưởng Thông tin Anas El Fekky rời khỏi đất nước do có những đơn kiện hai nhân vật này. Tài khoản của cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib el-Adli cùng tài khoản các thành viên gia đình bị phong tỏa vì những khiếu kiện có nhận hối lộ.

Những câu hỏi chưa lời đáp

* Các quốc gia Ai Cập, Tunisia, Algeria, Yemen hiện đang đối mặt với bài toán chung: dân số tăng quá nhanh, lương thực không  đáp ứng đủ. Trong 25 năm, dân số ở Ai Cập đã tăng đến 2/3, từ 50 triệu người năm 1985 lên 83 triệu người vào cuối năm 2010 với dân số trẻ khá đông, độ tuổi trung bình là 24 tuổi.

Những người tổ chức các cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống Mubarak đã thành lập một hội đồng gồm những người được ủy quyền có nhiệm vụ bảo vệ kết quả biểu tình và đàm phán với Hội đồng Quân sự tối cao, đưa Ai Cập vượt qua giai đoạn chuyển tiếp. Hội đồng này có quyền kêu gọi tiến hành hoặc hủy bỏ các cuộc biểu tình tùy thuộc vào diễn biến tình hình ở từng thời điểm cụ thể.

Tại quảng trường Tahrir, nhiều người vẫn còn nán lại ăn mừng, đồng thời chờ đợi những chuyển biến rõ ràng  như lời cam kết từ quân đội. Một số khác đã bắt tay dọn dẹp “bãi chiến trường” tại khu vực trung tâm thủ đô. Trong ngày 13-2, người dân Ai Cập dần trở lại cuộc sống thường nhật. Một số cửa hàng cũng bắt đầu mở cửa, nhiều người đi làm lại sau 18 ngày tham gia biểu tình. Mọi người bảo nhau: đừng xả rác bừa bãi trên đường phố, cũng đừng làm ngơ tín hiệu đèn giao thông và hơn hết, hãy dừng ngay việc hối lộ.

Tình hình Ai Cập được cộng đồng quốc tế đặc biệt lưu tâm vì nó không chỉ là sự thay đổi trong nội bộ quốc gia mà nó sẽ còn tạo ra nhiều hệ quả nghiêm trọng trong đối ngoại, trước hết là với Mỹ. Bấy lâu nay, Ai Cập đã là đồng minh thân cận của Mỹ trong rất nhiều vấn đề, từ việc hợp tác chống khủng bố đến bảo đảm hành lang vận tải biển an toàn, hỗ trợ các cuộc đàm phán giữa thế giới Arập và Israel. Theo ông Steve Clemons, Giám đốc dự án Chiến lược Mỹ tại Quỹ nước Mỹ mới nhận định: sự thay đổi lớn ở Ai Cập chỉ mới bắt đầu và sẽ kéo theo những sự thay đổi về giá dầu, sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và an ninh tại Israel.

Vấn đề liên quan tới quan hệ của Mỹ với chính phủ lâm thời và các nhà lãnh đạo phe đối lập hiện nay ở Ai Cập vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục