Hy Lạp đóng cửa toàn bộ hệ thống ngân hàng

Theo hãng tin AP, ngày 29-6, một ngày trước thời hạn chót phải trả nợ cho nhóm chủ nợ quốc tế, Chính phủ Hy Lạp buộc phải ban hành lệnh đóng cửa toàn bộ hệ thống ngân hàng và sàn giao dịch chứng khoán, do tình trạng người dân đổ xô đi rút tiền gia tăng và không thể kiểm soát.
Hy Lạp đóng cửa toàn bộ hệ thống ngân hàng

Theo hãng tin AP, ngày 29-6, một ngày trước thời hạn chót phải trả nợ cho nhóm chủ nợ quốc tế, Chính phủ Hy Lạp buộc phải ban hành lệnh đóng cửa toàn bộ hệ thống ngân hàng và sàn giao dịch chứng khoán, do tình trạng người dân đổ xô đi rút tiền gia tăng và không thể kiểm soát.

Kiểm soát vốn khẩn cấp

Tình trạng người dân Hy Lạp ồ ạt đến các ngân hàng rút tiền đã diễn ra trước thời điểm nước này tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về chương trình cải cách và “thắt lưng buộc bụng” nhằm đổi lấy gói cứu trợ mới. Theo Chính phủ Hy Lạp, lệnh đóng cửa các ngân hàng được kéo dài đến ngày 7-7. Quyết định bất ngờ trên được đưa ra nhằm bảo vệ hệ thống tài chính và kinh tế Hy Lạp trong bối cảnh nước này hết khả năng thanh toán bằng tiền mặt sau khi nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) từ chối gia hạn thỏa thuận vay với Hy Lạp hôm 27-6 vừa qua.

Theo sắc lệnh về kiểm soát vốn được Tổng thống và Thủ tướng Hy Lạp ký, tại các điểm ATM, mỗi người dân chỉ được phép rút tiền hạn chế 60 EUR/ngày (65 USD) cho đến thời điểm các ngân hàng mở cửa trở lại. Tuy nhiên, theo thông báo của chính phủ, việc trả lương hưu và lương trong tài khoản ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Những giao dịch ngân hàng điện tử hoạt động trong nước vẫn diễn ra bình thường, trừ những giao dịch ra nước ngoài cần phải được phép của Bộ Tài chính..

Hội đồng ổn định tài chính Hy Lạp, bao gồm đại diện chính phủ, các nhà điều hành và các ngân hàng, đã quyết định áp đặt những biện pháp kiểm soát vốn sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ đóng băng các khoản vay khẩn cấp mà thiết chế này cung cấp để “nuôi sống” hệ thống ngân hàng Hy Lạp.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Macedonia ra lệnh cho tất cả các ngân hàng của nước này rút các khoản tiền gửi tại các ngân hàng ở Hy Lạp và cho biết đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa để ngăn dòng vốn chảy sang Athens.

Người dân Hy Lạp đổ xô đi rút tiền tại ngân hàng.

Quốc tế sốt ruột

Trước bối cảnh Hy Lạp vẫn tỏ ra cứng rắn đối với các yêu cầu cắt giảm chi tiêu công của các chủ nợ quốc tế, Tổng thống Mỹ Barack Obama điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị có hành động khẩn cấp để giữ Hy Lạp ở lại trong Eurozone. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng ra một tuyên bố sau cuộc hội đàm với các đồng cấp Đức và Pháp đề nghị các chủ nợ xem xét giảm nợ cho Hy Lạp, một tình huống mà Đức và các nước thành viên Eurozone khác phản đối mạnh mẽ.

Theo kế hoạch, Hy Lạp sẽ phải hoàn trả Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) 1,6 tỷ EUR trong ngày 30-6, cùng ngày chương trình cứu trợ hiện tại của châu Âu bắt đầu từ năm 2012 sẽ hết hiệu lực. Nếu không thể hoàn trả, nước này có nguy cơ phá sản và tiến gần hơn tới việc phải rời Eurozone.

Chính phủ Đức và Anh đã phát đi khuyến cáo, đề nghị người dân mang theo nhiều tiền mặt khi tới Hy Lạp đề phòng trường hợp không thể rút tiền. Đan Mạch, Phần Lan và Hà Lan cũng khuyên người dân không nên trông chờ vào thẻ thanh toán khi tới du lịch Hy Lạp. Với tình trạng tiền mặt cạn kiệt, Hy Lạp trở thành nước thứ hai ở Eurozone (nước đầu tiên là Cộng hòa Cyprus năm 2013) tuyên bố các ngân hàng sẽ đóng cửa một thời gian và áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ không đưa ra gói đề xuất mới nhằm giải quyết tình hình khủng hoảng tại Hy Lạp hiện nay. Trong khi đó, tình hình tài chính tại Hy Lạp bắt đầu gây tác động mạnh lên đồng tiền chung của Eurozone. Trong phiên giao dịch vào ngày 29-6, đồng tiền chung của 19 nước châu Âu giảm.

Đồng tiền chung của 19 nước châu Âu giảm 1,9% xuống còn 1,0955 USD đổi 1 EUR.  Cổ  phiếu ở châu Âu rớt mạnh. Chỉ số chứng khoán DAX (Đức) và CAC ( Pháp) giảm 4,4%, chỉ số FTSE (Anh) giảm 2%.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục