Hy Lạp chia rẽ sau thỏa thuận cứu trợ

Thỏa thuận tranh cãi

Reuters ngày 14-7 đưa tin, chỉ vài giờ sau khi Hy Lạp đạt thỏa thuận về gói cứu trợ mới với khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã  phải đối mặt trước sức ép phản đối của dư luận trong nước và trong nội bộ đảng Syriza cầm quyền.

Thỏa thuận tranh cãi

Hãng tin Reuters cũng đặt câu hỏi liệu ông Tsipras có khả năng liên kết chính phủ hiện nay lẫn đảng cầm quyền sau gói thỏa thuận gây tranh cãi trị giá  86 tỷ EUR (96 tỷ USD)  hay không? Để đạt được thỏa thuận trên, ông Tsipras đã buộc phải đi ngược lại cam kết lúc tranh cử với cử tri là chống lại chính sách “thắt lưng buộc bụng” đến cùng. Chính phủ Hy Lạp sẽ phải thông qua điều luật cắt giảm trợ cấp, tăng thuế giá trị gia tăng, và hạn chế chi tiêu công. Ngoài ra, Hy Lạp còn buộc phải đặt việc bán 50 tỷ EUR  tài sản công dưới sự giám sát của các chủ nợ nước ngoài và đưa gói đề xuất này ra trước Quốc hội vào ngày 15-7.

Để gói đề xuất này được Quốc hội Hy Lạp thông qua, ông Tsipras sẽ phải dựa vào phiếu bầu của các đảng đối lập thân châu Âu khi vấp phải sự phản đối của rất nhiều nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Syriza của ông. Hiện nay, nhiều nghị sĩ trong đảng Syriza đã hợp tác với đảng Hy Lạp Độc lập và đưa ra tuyên bố sẽ không bao giờ vứt bỏ lời cam kết chống chính sách khắc khổ đã đưa ra trong cuộc bầu cử hồi tháng 1 năm nay. Chủ tịch Quốc hội Zoe Constantinopoulou cũng kiên quyết không chịu nhượng bộ trước các đòi hỏi của châu Âu.

Truyền thông Đức cho rằng, Thủ tướng Alexis Tsipras đang lên kế hoạch tiến hành cải tổ lớn trong nội các trong bối cảnh nhiều nghị sĩ cánh tả bỏ phiếu chống lại các biện pháp cải cách và thắt lưng buộc bụng. Trong số các nghị sĩ dự kiến ra đi có Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis và Bộ trưởng Xã hội Dimitris Stratoulis. Những người này được cho là đứng đầu phái tả trong liên minh Syriza và có ảnh hưởng lớn tới khoảng 40 nghị sĩ trong tổng số 149 nghị sĩ của Syriza trong Quốc hội Hy Lạp. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra nhằm phản đối gói thỏa thuận mới. Các công nhân viên chức Hy Lạp tổ chức đình công trong vòng 24 giờ kéo dài đến ngày 15-7.

Lỡ hạn thanh toán

Hy Lạp đã không thanh toán được khoản vay 456 triệu EUR cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đáo hạn vào ngày 13-7, mặc dù đã đạt thỏa thuận với lãnh đạo các nước eurozone về gói cứu trợ. Đây là lần thứ hai Hy Lạp lỡ hạn chót thanh toán nợ cho IMF, sau khi không trả được khoản vay 1,5 tỷ EUR  đáo hạn ngày 30-6 vừa qua. Hiện tổng số nợ đáo hạn chưa thanh toán của Hy Lạp đã lên tới 2 tỷ EUR. Khi nước này lỡ hạn thanh toán đợt đầu ngày 30-6, IMF đã đình chỉ Athens tiếp cận nguồn tài chính của tổ chức này, bao gồm cả các khoản giải ngân đang được thực hiện. Ủy ban điều hành IMF sẽ thảo luận về đề nghị gia hạn khoản nợ đáo hạn hôm 30-6 của Hy Lạp trong vài tuần tới.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đã có những phản ứng khác nhau về tình hình Hy Lạp sau khi nước này đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba với eurozone. Trong khi Standard & Poor’s tuyên bố sẽ nhanh chóng cập nhật xếp hạng tín dụng của Hy Lạp nếu thỏa thuận cứu trợ này trở nên vững chắc. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch nhận định rằng thỏa thuận cứu trợ có thể làm dịu bớt áp lực thanh toán bằng tiền mặt cực kỳ khó khăn của Hy Lạp, nhưng những thách thức cả ngắn hạn và dài hạn về khả năng thanh toán nợ của Athens vẫn tồn tại.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục