Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% cho tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh, sau hơn 2 tháng đi vào cuộc sống đã bắt đầu phát huy tác dụng. GDP quý 1-2009 tăng 3,1%, tuy khá thấp so với cùng kỳ năm trước nhưng được đánh giá là tín hiệu khả quan trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái chưa có dấu hiệu hồi phục. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tại hơn 170 quốc gia thì chỉ có 12 nước kinh tế tăng trưởng dương, trong đó VN có mức tăng trưởng khá (3,1%). Kết quả này hé lộ nhiều tín hiệu kinh tế VN sẽ tăng trưởng khá hơn trong các quý tiếp theo của năm 2009.
Trên cơ sở đánh giá này, tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 (30 đến 31-3 và 1-4), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để có tăng trưởng trong quý 2, ngoài việc trông đợi vào sự chuyển biến của tình hình kinh tế thế giới (yếu tố khách quan) điều quan trọng nhất là nỗ lực thực hiện quyết liệt 5 nhóm giải pháp hiện có và cần có thêm một gói kích cầu nữa, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nhằm kích cầu tiêu dùng ở nông thôn. Kích cầu nông thôn thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp sẽ kéo theo công nghiệp và xuất khẩu. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hiện nay đang có thị trường và giá cũng đã hồi phục như gạo, cá tra, cá ba sa…
Về điều hành, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành trong 10 ngày sắp tới phải cụ thể hóa các chỉ đạo của kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2009 thành các văn bản hướng dẫn chi tiết để các nơi thi hành.
Với tinh thần trên, chiều 1-4, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường thuộc Bộ Công thương, cho biết: Thường trực Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương chủ trì soạn thảo chương trình hỗ trợ, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa trong nước với mục đích kích cầu. Đối tượng chủ yếu của chương trình là nông dân. Dự kiến ban đầu gói kích cầu nông nghiệp nằm trong chương trình nêu trên nhằm hỗ trợ nông dân mua máy móc, vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó là hỗ trợ mua hàng hóa tiêu dùng. Gói kích cầu nông nghiệp, nông thôn tương đương với gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% cho các đơn vị, cá nhân vay vốn ngân hàng sản xuất, kinh doanh, nghĩa là khoảng 1 tỷ USD.
Kích cầu tiêu dùng mà đối tượng chủ yếu là nông dân là một giải pháp nhằm hai mục đích: hỗ trợ nông dân sản xuất và cải thiện cuộc sống, giải quyết đầu ra cho sản phẩm công nghiệp trong nước đang bị tồn đọng vì xuất khẩu giảm sút do kinh tế thế giới suy thoái hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là triển khai phải hết sức thận trọng, chặt chẽ và đúng để không bị lên án là bảo hộ mậu dịch, mặt khác không kích cầu nhầm vào hàng tiêu dùng nước ngoài đang cạnh tranh với hàng tiêu dùng của ta và đang được người tiêu dùng của ta ưa chuộng vì giá rẻ mà chất lượng không thua kém.
Bài học kích cầu nhầm để các nhà thầu nước ngoài thắng thầu trong không ít các dự án, công trình lớn của ta (được đưa ra tại cuộc hội thảo về xây dựng mới đây) hãy còn đó!
LÊ MINH