Những ngày gần đây, chống tham nhũng lại thành vấn đề thời sự. Tại diễn đàn kỳ họp cuối năm của Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố, có nhiều ý kiến của các đại biểu thảo luận, chất vấn về hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng và lưu ý phải kiên quyết hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 50 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, đã phân tích thấu đáo thực trạng và đề ra những giải pháp căn cơ.
Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị nhận định rất thẳng thắn: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít; một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm; thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta”. Sự thẳng thắn đó là rất cần thiết, vì khi phải đối mặt tai họa, nếu chúng ta bưng mắt, bịt tai, thì cũng không thể tránh được, mà phải nhìn thẳng vào thực trạng để đối phó hữu hiệu. Từ nhận định trên phạm vi cả nước, đối chiếu tình hình ở từng ngành, từng địa phương cũng thấy đang bộc lộ rõ những hạn chế, khuyết điểm như vậy.
Dư luận không quá bất ngờ khi hiệu quả chống tham nhũng năm 2015 đạt thấp đến mức có những tỉnh, thành phố chưa phát hiện vụ tham nhũng nào. Cũng do những nguyên nhân đã được phân tích lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục: người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm công tác phòng chống tham nhũng, thiếu các giải pháp phòng chống tham nhũng kiên quyết và hữu hiệu; có những kẽ hở pháp luật và sơ hở trong cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, quản lý cán bộ; thiếu sự phối hợp hiệu quả trong đấu tranh chống tham nhũng; chưa phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và vai trò giám sát của nhân dân trong phát hiện và xử lý tham nhũng. Trong năm 2015 - năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, còn có thêm nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng là do “tư duy nhiệm kỳ” nên đã có nơi này nơi khác chạy theo thành tích, né tránh khuyết điểm, không công khai kết quả thanh tra như Luật Thanh tra đã quy định, vì bưng bít thông tin nên không thể xử lý pháp luật các vụ tham nhũng.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, đương nhiên phải khắc phục cho được những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc nêu trên. Trong vài năm gần đây, đã có những giải pháp tạo thêm thế và lực đấu tranh chống tham nhũng, như ban hành Luật Phòng chống tham nhũng; lập lại Ban Nội chính từ tỉnh, thành phố đến Trung ương để theo dõi, đôn đốc việc xử lý các vụ án tham nhũng nổi cộm; khen thưởng xứng đáng người dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng; thực hiện kê khai tài sản... Và nay vừa có thêm Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị, chỉ đạo thực hiện 8 biện pháp cụ thể trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó nêu rõ: Người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng. Xác định kết quả công tác phòng chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Dư luận hoan nghênh việc quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu như vậy là nghiêm minh, xác đáng. Tại các diễn đàn kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND các cấp và qua báo đài, đã có rất nhiều ý kiến hiến kế phòng chống tham nhũng, nguyên tắc chung là thực hiện công khai, minh bạch, ràng buộc rõ trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Phải tăng cường sự công khai, minh bạch về hoạt động của cơ quan nhà nước; về quy trình, thủ tục hồ sơ trong lĩnh vực hành chính công; về công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ; về tình hình kinh phí của cơ quan, đơn vị; về việc công bố kết quả thanh tra chống tham nhũng và giải quyết tố cáo. Việc kê khai tài sản cán bộ phải thực chất, có sự giám sát.
HUỲNH THANH LUÂN