Theo nhịp tàu đi - Bài 1: Cảm nhận tàu đêm

Chuyện vé tàu
Theo nhịp tàu đi - Bài 1: Cảm nhận tàu đêm

Hiện nay, ngành đường sắt có nhiều cải tiến trong  phục vụ hành khách, chẳng hạn cung cách bán vé. Và trên gương mặt nhân viên của ngành đã có thêm những nụ cười. Công bằng mà nói, đó là những điều đáng khen, mặc dù những việc này có khó khăn và mới mẻ gì đâu trên thương trường…

Hành khách chuẩn bị lên tàu tại Ga Đà Nẵng.

Hành khách chuẩn bị lên tàu tại Ga Đà Nẵng.

Chuyện vé tàu

Đêm thành phố những ngày cuối năm tiết trời se lạnh. Sân ga Sài Gòn về khuya vắng lặng sau một ngày nhộn nhịp những chuyến tàu đi, tàu về. Những đường ray im lìm trơ lạnh trong hơi sương. Hành khách đi chuyến tàu SE4  khởi hành vào lúc 23 giờ lần lượt có mặt, mọi người thoải mái ngồi trong phòng chờ tàu, có ghế tựa, máy lạnh mát rượi. Nhiều người đến mua vé đi liền không cần mua vé trước.

Trên bảng điện tử thông báo mỗi chuyến tàu còn trống bao nhiêu vé để hành khách dễ dàng lựa chọn. Cung cách bán vé tạo nhiều hài lòng cho hành khách. Mọi người tự lấy số thứ tự, ngồi chờ nhân viên phòng vé gọi số đến nhận vé lên tàu, không còn cảnh xếp hàng chen lấn mất trật tự như trước kia.

Trong lúc chờ đến giờ lên tàu, vô tình tôi nghe được câu chuyện đầy bức xúc của hai người khách ngồi gần bên. Một người nói mấy ngày trước anh đã mua vé, nhưng bị mất vé, anh đến ga Sài Gòn trình bày với nhân viên của ga trường hợp của mình và đề nghị nhà ga cấp lại vé mới. Nhân viên này hướng dẫn anh đến đại lý nơi anh đã mua vé yêu cầu đại lý xác nhận ngày bán, có ghi số ghế, tên họ, số sê ri...

Nhưng khi mang đầy đủ những giấy tờ đó đến thì nhân viên ga Sài Gòn lại không giải quyết, với lý do vé tàu cũng như tiền, mất rồi phải mua lại vé mới. Mặc cho anh trình bày khá lâu, nhưng cuối cùng cũng chỉ nhận cái lắc đầu cương quyết của người bán vé. Anh này cũng chỉ còn cách lẩm bẩm phàn nàn: Lý do bị mất vé được xác nhận đầy đủ vậy mà vẫn bị từ chối cấp lại vé mới, nghĩa là sao? Hơn nữa, nếu không chấp nhận thì ngay từ đầu đừng yêu cầu hành khách làm giấy trình bày…

Rời ga

Sân ga trở nên đông đảo, nhộn nhịp khi hành khách xuất hiện nhiều hơn, người vào ga đưa tiễn cũng nhiều. Đúng 23 giờ, đoàn tàu rùng mình chuyển bánh rời ga. Những cái vẫy tay lưu luyến tiễn đưa, giây phút tiễn biệt mấy ai không bùi ngùi. Còn chúng tôi, lâu rồi mới đi chuyến tàu đêm, chợt bâng khuâng khi rời xa thành phố thân yêu. Những con đường, góc phố thân quen lặng lẽ trong ánh đèn đêm vàng vọt, lần lượt khuất sau tiếng còi tàu.

Khi tàu chạy ngang địa phận TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ai nấy đều thốt lên ngạc nhiên vì quang cảnh quá đẹp. Những vườn thanh long nối tiếp nhau trong ánh đèn vàng từng chùm sáng rực, lộng lẫy. Anh bạn đồng hành lên tiếng: “Đi công tác mà y như đi du lịch. Điều kiện sinh hoạt trên tàu thế này là thoải mái rồi”. Anh tỏ ý tiếc rẻ: “Phải chi khuya giờ này có ly cà phê thì thú vị biết mấy”. Chợt một giọng nói từ ngoài cửa phòng vọng vào: “Mời các anh xuống toa căn-tin phục vụ hành khách bất kỳ lúc nào khi có nhu cầu”.

Chúng tôi đi qua nhiều toa tàu để đến toa căn-tin, toa nào cũng có máy lạnh mát rượi. Toa ghế ngồi còn có video, sạch sẽ, nhiều người đã ngủ ngon lành. Không ngờ tại căn-tin giờ này vẫn còn nhiều khách. Tất cả đều ngồi lặng lẽ, nhâm nhi ly cà phê, uống lon bia để có thêm dư vị cho cuộc hành trình trên chuyến tàu đêm.

Bếp trưởng đang chuẩn bị bữa ăn cho hành khách trên tàu.

Bếp trưởng đang chuẩn bị bữa ăn cho hành khách trên tàu.

Chúng tôi tìm gặp trưởng tàu Lâm Đình Quảng, anh tâm sự: “Tôi gần 30 năm theo tàu xuôi ngược Bắc Nam, hơn 20 năm làm phó trưởng tàu và 7 năm là trưởng tàu. Hơn nửa đời người gắn bó với nhịp tàu lắc lư. Vậy mà về nằm nhà lại thấy thiếu vắng, nhớ tiếng còi tàu. Từng sân ga dù chỉ dừng lại giây phút, mà cớ sao khi về nhà vẫn nhớ như in”.

Vâng, nghề chạy tàu làm sao quên được những hình ảnh - hành trình đã trở thành như máu thịt trong người. Bạn bè đồng nghiệp như người thân thiết ruột rà. Thời gian sống trên tàu còn nhiều hơn thời gian sống với gia đình. Cứ đến lại đi, ấy vậy mà sao đối với anh Quảng không chút nhàm chán. Anh và các đồng sự luôn cố gắng làm sao cho công việc phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn, hoàn chỉnh hơn. Có hành khách mới có những chuyến tàu đi về. Có hành khách thì trên những cung đường sắt mới nhộn nhịp, mang đầy sức sống.

Anh Lâm Đình Quảng tâm đắc cho rằng phải tạo môi trường thân thiện cho tất cả hành khách suốt cuộc hành trình. Để ai cũng thấy yên tâm, thời gian trên tàu là những lúc thoải mái, như cuộc du ngoạn đầy thú vị.

Đổi mới?

Thời gian qua, báo chí đã nêu lên những điều mà ngành đường sắt chưa làm tốt trong việc phục vụ hành khách trên tàu.

Vấn đề này, ông Phạm Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, thẳng thắn nhìn nhận: “Việc báo chí nêu đó là những điều hết sức cần thiết, nhằm chấn chỉnh những cái chưa tốt, những điều làm phiền lòng hành khách. Chúng tôi hết sức cám ơn những điều báo chí đã góp ý xây dựng. Công ty đã có những chấn chỉnh, khắc phục, xác định những việc cần làm ngay, để công tác phục vụ hành khách được tốt hơn ngay trong dịp tết này. Có như vậy mới tạo được sự hấp dẫn, thú vị, ngày càng thu hút hành khách đến với phương tiện vận chuyển đường sắt. Đây cũng là tiêu chí của ngành đã đề ra trong sự nghiệp đổi mới để phát triển ngành đường sắt”

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Văn Sơn: Việc “nâng cấp”, trước tiên là từ con người. Chính con người quyết định tất cả: cung cách phục vụ phải lịch sự, văn hóa, nhiệt tình, yêu nghề. Các toa ghế ngồi phải làm mới và đẹp, tạo cho hành khách thoải mái ngồi trên tàu suốt cuộc hành trình. Còn các toa giường nằm, từ giường đến chăn nệm phải y như ở khách sạn hạng sang. Vệ sinh phải được chăm chút từng phút…  Có như vậy, hành khách mới thấy hài lòng, xứng đáng với đồng tiền bỏ ra mua vé đi tàu…

Chúng tôi lại nhìn qua ô cửa sổ. Ngoài kia là biển đêm, nhấp nháy những ánh đèn của những con thuyền câu mực giăng giăng, tựa những ngôi sao sa xuống biển, lung linh, huyền ảo. Ngồi nhớ lại những ý ông Sơn đã trao đổi, thầm hình dung về những đoàn tàu sắp mang dáng vẻ mới trẻ trung và tươi tắn, sang trọng như khách sạn có sao.

-------

Bài 2: Áp lực ở đầu tàu

TƯỜNG LỘC - ĐOÀN HIỆP - THƯ NAM

Tin cùng chuyên mục