Thi tốt nghiệp THPT 2014: Xem xét đưa ngoại ngữ là môn thi tự chọn

Sáng nay, 13-2, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2013; triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và tuyển sinh đại học-cao đẳng năm 2014.
Thi tốt nghiệp THPT 2014: Xem xét đưa ngoại ngữ là môn thi tự chọn

(SGGPO). - Sáng nay, 13-2, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2013; triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và tuyển sinh đại học-cao đẳng năm 2014.

Một trong nội dung đáng chú ý nhất là về một số điều chỉnh phương án thi-công nhận tốt nghiệp THPT. Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, sau khi bộ công bố nội dung này (thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó bắt buộc toán và văn, học sinh tự chọn 2 môn khác trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử; ngoài ra học sinh có thể đăng ký thi môn ngọai ngữ để được cộng điểm khuyến khích. Bộ cũng dự kiến miễn thi tốt nghiệp THPT cho 20% học sinh đạt tiêu chuẩn...), hiện nay, bộ vẫn đang trong thời gian xin ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đồng ý phương án điều chỉnh thi của bộ nhằm thực hiện đổi mới giáo dục. “Chúng tôi đồng tình thi tốt nghiệp với 4 môn thi. Tuy nhiên TPHCM  mạnh dạn đề xuất trong 4 môn thi thì 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ. Các tỉnh khó khăn thì được lựa chọn môn thay thế ngoại ngữ, còn lại là môn tự chọn. Nếu quyết định 4 môn, trong đó có một môn tự chọn thì học sinh chỉ phải thi 2 ngày thay vì 3 ngày như bộ dự kiến, môn cuối cùng là môn tự chọn”, ông Sơn đề xuất.

Ngoài ra, theo ông Sơn, nếu bộ cố định lịch thi tốt nghiệp năm 2014 vào các ngày 2,3,4 tháng 6 thì mọi công việc chuẩn bị trong tháng 5 để thi vào đầu tháng 6 là rất khó khăn cho địa phương. Đây cũng là ý kiến của một số địa phương khi cho rằng, không nên cố định lịch thi tốt nghiệp, nhất là khi lịch đó rơi vào những ngày nghỉ, gây khó khăn cho lực lượng làm công tác thi. Lịch thi nên rơi hoàn toàn vào ngày làm việc.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại Hội đồng thi trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Anh văn. Ảnh: Mai Hải

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại Hội đồng thi trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Anh văn. Ảnh: Mai Hải

Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã lấy ý kiến của 45 giám đốc sở GD-ĐT tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án trường THPT chuyên. Cùng với việc lấy ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội, đến nay bộ đã nhận được nhiều ý kiến góp ý. Có nhiều nội dung được sự đồng thuận cao của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục, giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn trước những vấn đề cụ thể. Trong đó, các nội dung đã được thống nhất cao là việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT 4 môn, trong đó có 2 môn do học sinh tự chọn. Trong số 45 Giám đốc sở GD-ĐT được hỏi ý kiến, có 42 ý kiến đồng tình, chỉ có 2 ý kiến đề nghị thi 6 môn như hiện hành. Về nội dung thực hiện phương án điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT, đa số ý kiến đồng tình áp dụng ngay từ năm 2014 và coi là động thái tích cực. Tất cả 45 Giám đốc sở GD-ĐT được hỏi ý kiến tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án trường THPT chuyên đều đồng tình triển khai ngay từ năm 2014. Về chủ trương miễn thi, tuyệt đại đa số các ý kiến đều đồng tình về chủ trương miễn thi, thậm chí có ý kiến cho rằng tỷ lệ miễn thi chung toàn quốc 20% là còn ít.

Bên cạnh những thống nhất cao đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, vẫn còn một số nội dung gây băn khoăn. Trong đó, về chủ trương miễn thi chung toàn quốc 20% nhiều ý kiến cho rằng là không ổn vì chất lượng giáo dục khác nhau giữa các vùng miền, không nên miễn thi đồng đều 20% đối với tất cả các địa phương. Thay vào đó, nên miễn thi cho tất cả các học sinh đạt tiêu chuẩn.

Về điều này, Bộ GD-ĐT cho rằng, trong điều kiện bệnh thành tích còn chưa được khống chế triệt để hiện nay, nếu không khống chế tỷ lệ miễn có thể dẫn đến việc miễn thi không thực chất. Mặt khác, khống chế tỷ lệ miễn thi thì sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường, địa phương, làm cho việc xét duyệt  miễn thi chính xác. Tới đây, khi bộ triển khai phương pháp đánh giá PISA để đánh giá chất lượng giáo dục giữa các tỉnh/thành thì  dựa trên kết quả PISA, bộ sẽ có sự phân biệt tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp cho các địa phương.

Về môn thi ngoại ngữ, bộ GD-ĐT cho biết, tuyệt đại đa số ý kiến đồng ý không đưa môn ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc, có nhiều ý kiến để nghị đưa thành môn thi tự chọn. Nhưng bộ GD-ĐT cho rằng, hiện nay việc dạy và học ngoại ngữ rất khác biệt giữa các vùng miền, do vậy bộ đã dự thảo đây chỉ là môn thi khuyến khích. Qua các kênh khác nhau, nhiều đề xuất ngoại ngữ là môn thi tự chọn. “Vì vậy  bộ sẽ cân nhắc, thảo luận vấn đề này một cách cầu thị, nghiêm túc”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục