Thị trường 400 triệu người có nhiều dư địa cho các doanh nghiệp Việt Nam

Sáng 24-11, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam - Á Âu với chủ đề Thích ứng bối cảnh - khai phá tiềm năng.
Quang cảnh diễn đàn, sáng 24-11

Quang cảnh diễn đàn, sáng 24-11

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, thị trường Á - Âu (Eurasia) là thị trường truyền thống của Việt Nam và hiện nay được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa hợp tác.

Đây là liên khu vực rộng lớn gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, với tổng diện tích khoảng 23,5 triệu km2, dân số hơn 400 triệu người và tổng GDP gần 4.500 tỷ USD. Đây cũng là khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt, kim loại màu, than đá, ngũ cốc...

Về hợp tác thương mại, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2022, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động bất thường, với nhiều khó khăn, thách thức, thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu chỉ đạt 13,3 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD (giảm 13,1%); nhập khẩu đạt 4,67 tỷ USD (giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong 9 tháng năm 2023, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước khu vực Eurasia chỉ đạt 9 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này là 6,3 tỷ USD, giảm 1,2%; nhập khẩu đạt 2,7 tỷ USD, giảm 19%.

Mặc dù giao thương hàng hóa giữa hai bên bị sụt giảm trong thời gian qua, song đại diện Bộ Công thương khẳng định, khu vực Á - Âu vẫn là một thị trường giàu tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Bởi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Á - Âu chỉ chiếm khoảng 2,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và khoảng 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực này. Các dự án đầu tư từ khu vực Á - Âu hiện chỉ chiếm khoảng 0,3% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Mặt thuận lợi là giữa hai bên đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm hai các hiệp định thương mại tự do: Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan), viết tắt là EAEU FTA và Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA). Đồng thời còn có Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA); 14 ủy ban hỗn hợp, ủy ban liên chính phủ và 1 cơ chế tham vấn hợp tác kinh tế song phương.

Những cơ chế hợp tác này đang được triển khai hiệu quả, làm cơ sở vững chắc để doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước Á - Âu tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư.

Bộ Công thương cũng cho rằng, khu vực Á - Âu cũng là khu vực đông đảo cộng đồng người Việt Nam làm ăn, sinh sống. Việc thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giao thương, kết nối giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam và cộng đồng người Việt tại khu vực này sẽ hỗ trợ cho hợp tác về thương mại và đầu tư của Việt Nam với Á - Âu được hiệu quả và thực chất hơn.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ Tạ Hoàng Linh khẳng định: “Bộ Công thương, với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại song phương và đa phương tại khu vực Á - Âu, sẽ tiếp tục phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan đại diện thương mại của các nước trong khu vực, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài… đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng cơ hội hợp tác mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giao thương, triển khai các giải pháp tổng thể để thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và thị trường châu Âu - châu Mỹ nói chung, thị trường khu vực Á - Âu nói riêng”.

Tin cùng chuyên mục