Thị trường bánh kẹo - “Nội” trội hơn “ngoại”

Chất lượng ngon hơn, bao bì đẹp hơn, mẫu mã phong phú,… là những thay đổi mà hầu như người tiêu dùng nào cũng có thể nhận ra được ở các sản phẩm bánh kẹo trong nước. Không những thế, tại các hệ thống phân phối hiện nay, thị phần nhiều thương hiệu bánh kẹo trong nước cũng đang tăng lên và sẵn sàng “nghênh chiến” với hàng ngoại.
Thị trường bánh kẹo - “Nội” trội hơn “ngoại”

Chất lượng ngon hơn, bao bì đẹp hơn, mẫu mã phong phú,… là những thay đổi mà hầu như người tiêu dùng nào cũng có thể nhận ra được ở các sản phẩm bánh kẹo trong nước. Không những thế, tại các hệ thống phân phối hiện nay, thị phần nhiều thương hiệu bánh kẹo trong nước cũng đang tăng lên và sẵn sàng “nghênh chiến” với hàng ngoại. 

Những đơn vị tiên phong

Cách đây 10 năm, phần lớn bánh kẹo lưu thông trên thị trường nước ta đều là hàng của Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia nhập về. Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, một số thương hiệu bánh kẹo trong nước đã bắt đầu xuất hiện và khẳng định được tên tuổi tại thị trường nội địa lẫn xuất khẩu nhờ giá thành ổn định hơn so với hàng nhập.

Đầu tiên là Kinh Đô và Bibica, 2 đơn vị trong ngành thực phẩm tiên phong đầu tư hàng triệu USD để nhập về các dây chuyền sản xuất bánh kẹo của châu Âu và Nhật Bản trong năm 2000 - 2001 để chuyển sản xuất bánh kẹo trong nước từ thủ công chuyển sang công nghiệp. Qua đó, góp phần đẩy lùi thị phần bánh kẹo nhập khẩu tại các chợ và siêu thị. Nhiều nhãn hàng của các thương hiệu trên cũng đã bắt đầu định vị được trong lòng người tiêu dùng như bánh KFC, Cosy Marie (Kinh Đô), bánh quy Goodies, bánh bông lan Hura, kẹo bốn mùa (Bibica), Paner Chocopie (Phạm Nguyên)… Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, trong khi Bibica vẫn liên tục tung ra nhiều sản phẩm mới thì Kinh Đô lại có vẻ ít tung sản phẩm mới ra thị trường.

Gần đây, trong làng bánh kẹo nội còn có thêm nhiều cái tên mới như SNFOOD, Hải Châu… Trong đó Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Miền Nam (SNFOOD) là đơn vị vừa mới thành lập cách đây khoảng một năm, thường tung ra thị trường khá nhiều sản phẩm mới có giá mềm hơn các thương hiệu khác khoảng 10%. Liên hiệp HTX TPHCM (Saigon Co.op), chủ quản Hệ thống Co.opMart, cũng đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp bánh kẹo trong nước tạo ra hơn 10 loại  bánh, kẹo trong bộ “sưu tập” nhãn hàng riêng của hệ thống này.

Bằng về chất, thắng về giá...

Trên thị trường bánh kẹo hiện nay, đa phần các sản phẩm trong nước đều có giá thấp hơn các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu (chính ngạch) từ 10% - 20%. Cụ thể tại siêu thị Co.opMart Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), túi bánh xốp hương sầu riêng có khối lượng tịnh 125gram nhãn hàng riêng của Co.opMart giá chỉ có 8.200 đồng. Trong khi đó sản phẩm bánh xốp kem dừa Bissin nhập từ Thái Lan về trọng lượng chỉ có 100 gram nhưng giá lại lên đến 14.600 đồng/hộp giấy.

Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc kinh doanh của Hệ thống Siêu thị Citimart, cho rằng, xét về góc độ chất lượng, sản phẩm trong nước hiện nay không hề thua kém so với sản phẩm nhập khẩu, thậm chí còn ngon hơn, nhờ trang bị dây chuyền thiết bị hiện đại nhập từ Nhật và châu Âu, sử dụng nguyên liệu bơ, sữa nhập khẩu từ New Zealand, Đan Mạch, Hà Lan… Đồng thời các doanh nghiệp áp dụng hầu hết các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO 9001-2010 vào quá trình sản xuất nên đã đáp ứng được thị trường xuất khẩu. Nhiều nhãn hàng của Công ty Bibica đã xuất và đang tiêu thụ rất mạnh tại Lào, Campuchia, Thái Lan, Mông Cổ…, còn hàng của Kinh Đô cũng đã xuất đi Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác.

Trước những lợi thế về giá rẻ, về chất lượng và sự minh bạch về thông tin, nguồn gốc rõ ràng, bánh kẹo nội đang có ưu thế trong cuộc chiến giành lại thị phần.  Nếu như những quy định về nhãn mác hàng hóa nhập khẩu được quản lý chặt chẽ hơn, ràng buộc nhiều hơn về việc dán tem nhập khẩu với các ghi chú bắt buộc phải có như đơn vị nhập khẩu, nơi sản xuất, hạn sử dụng, ngày sản xuất và tích cực chống nhập lậu dạng tiểu ngạch… thì bánh kẹo nội có thể sẽ tăng thị phần nhiều hơn  ngay trên “sân nhà”.

MAI THI

Tin cùng chuyên mục