Hàng loạt dự án “chết” đã được các doanh nghiệp có năng lực về tài chính mua lại hoặc hợp tác với chủ đầu tư cũ để tiếp tục triển khai. Nhờ vậy thị trường bất động sản ở TPHCM có luồng sinh khí mới, bộ mặt đô thị ngày càng được “dọn dẹp” khang trang hơn. Tuy nhiên không phải cuộc “giải cứu” nào cũng thành công.
Thay tên đổi chủ
Hơn 5 năm qua, dự án Moon Garden tại đường Nguyễn Khoái (quận 4, TPHCM) do Công ty CP Địa ốc Việt (Vietcomreal) làm chủ đầu tư vẫn không nhúc nhích gì. Mới đây, dự án đã chính thức “về tay” Công ty CP Địa ốc Nova (Novaland) và đổi tên thành Galaxy 9. Dự án chung cư 56 Bến Vân Đồn (quận 4) do Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội làm chủ đầu tư cũng giậm chân tại chỗ 4 năm sau khi triển khai tầng hầm. Dự án này sau đó cũng được Novaland bỏ tiền vào để tiếp tục triển khai với tên mới Icon 56. Hiện nay dự án Galaxy 9 đã được Novaland hoàn thiện tầng hầm và bắt đầu xây lên tầng 1, trong khi đó Icon 56 đã xây dựng đến tầng 10.
Dự án chung cư Lilama SHB (quận Tân Phú) do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Lilama SHB làm chủ đầu tư sau khi xây dựng xong phần thô cũng “treo” 3 - 4 năm nay, không triển khai gì thêm. Mới đây Công ty CP bất động sản Thanh Yến vào cuộc triển khai bán hàng, dự án khởi động lại với tên mới Sài Gòn Town. Đó là 3 trong tổng số 15 dự án đã mua lại, hợp tác với chủ đầu tư cũ để tiếp tục triển khai sau một thời gian giậm chân tại chỗ.
Một số dự án bất động sản ở TPHCM đã khởi động trở lại nhờ chủ đầu tư mới mạnh về tài chính và năng lực chuyên môn.
Trước đó, hàng loạt dự án “chết” cũng được chủ đầu tư mới bơm tiền hồi sinh như Công ty CP Hưng Thịnh “làm mới” lại hàng loạt dự án và đã thành công như dự án Kim Tâm Hải (quận 12) đổi tên thành chung cư 27 Trường Chinh, dự án chung cư Tín Phong đổi tên thành chung cư 12 View. Dù sao những dự án được hồi sinh nói trên vẫn còn may mắn. Bởi hiện nay có hàng loạt dự án “chết” mà hồi sinh không được, nhưng cũng không thể nào chôn!
Điển hình là dự án Kenton (Nhà Bè) do Công ty TNHH Tài Nguyên làm chủ đầu tư. Toàn bộ dự án hơn 1.600 căn hộ được xây dựng xong phần thô đã hơn 5 năm qua. Do số lượng căn hộ đã bán được quá ít, dự án không thể triển khai nên chủ đầu tư phải hoàn trả tiền lại cho khách hàng.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Vũ Anh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Tài Nguyên, cho biết, dự án đang bế tắc, tiền thi công tiếp không có, bán không có người mua. Công ty đã bỏ vào dự án hàng ngàn tỷ đồng từ hơn 10 năm, chưa thu về một đồng nào. Và “hàng ngàn tỷ đồng” hàng ngày vẫn dãi dầu mưa nắng chưa có lối ra.
Sàng lọc chủ đầu tư
Theo các chuyên gia nhận định, thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản đã “chết” thực sự nhưng vì những lý do nào đó họ vẫn “bùa phép” cho ra số liệu đẹp, hay các ngân hàng vẫn ráng níu kéo để không bị đổ bể dây chuyền. Do đó, thời điểm hiện nay những doanh nghiệp có thực lực về tài chính thường lựa chọn những dự án có vị trí đắc địa, giá rẻ, mua lại để tiếp tục đầu tư.
Ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó Chủ tịch Novaland, cho biết, thực tế đòi hỏi doanh nghiệp phải có thực lực và ngày càng chuyên nghiệp hơn nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh để tạo niềm tin cho khách hàng - vốn đã bị ảnh hưởng rất lớn trong thời gian vừa qua do nhiều dự án rơi vào tình trạng bế tắc. Ông Huỳnh Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP An Gia Hưng, cho biết, ngoài các yếu tố về tài chính, chuyên nghiệp thì những dự án mới còn đòi hỏi tính sáng tạo rất cao nhằm tối đa hóa các tiện ích cho chủ nhân căn hộ.
Công ty CP Him Lam đang bước vào giai đoạn hoàn thiện hơn 1.300 căn hộ tại dự án Him Lam Chợ Lớn cùng với việc xây dựng nhiều tiện ích khác như hồ bơi, công viên, cây xanh… Ông Ngô Phúc, Giám đốc kinh doanh Himlamland, cho biết, thời gian qua khách hàng bị khủng hoảng niềm tin, do đó Him Lam muốn tạo niềm tin bằng những sản phẩm thật để khách hàng có thể chiêm nghiệm lựa chọn.
Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đã phải bán tháo dự án để cắt lỗ. Giám đốc một doanh nghiệp tiết lộ, có dự án khi chuyển nhượng đã lỗ gần 600 tỷ đồng, bao gồm lỗ giá mua và tiền lãi suất ngân hàng suốt 4 năm qua. Tuy nhiên bán được vẫn còn hơn, nếu cứ để lãi mẹ đẻ lãi con đến lúc sẽ chẳng còn đồng nào. Sự khắc nghiệt của thị trường đã dần loại bỏ những doanh nghiệp yếu, loại bỏ những dự án ảo đem lại những dự án thật, giá trị thật.
Sự bắt tay để tạo sức mạnh giữa các doanh nghiệp mạnh thâu tóm doanh nghiệp yếu là quy luật của thị trường và cũng thật cần thiết trong bối cảnh thị trường trì trệ nhiều năm nay, để tạo luồng sinh khí mới cho bất động sản.
Tuy nhiên giới chuyên môn nhận định, thực tế không phải cái “bắt tay” nào cũng dẫn đến thành công. Bởi thực tế có không ít dự án sau khi bắt tay lại tiếp tục trùm mền. Cách đây chưa lâu, Công ty X. công bố ì xèo đã mua lại một dự án căn hộ của Công ty G. trên địa bàn quận 12. Dự án này trước đó bị trùm mền khá lâu và sau vụ mua bán này, Công ty X. tổ chức nhiều sự kiện bán hàng và không ít khách hàng tin tưởng tiếp tục đưa tiền vào dự án.
Sau một thời gian, cuộc “hôn phối” giữa 2 doanh nghiệp trên tan vỡ và dự án tiếp tục… trùm mền. Ngoài ra, một loạt dự án mà Công ty H.Q. mua lại của các doanh nghiệp khác cũng không thành công như V.Đ. (quận 12), C.R. (Hóc Môn), Đ.G. (Thủ Đức)…
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cho biết, không phải dự án nào cũng được mua lại mà phải xem xét nhiều yếu tố để đảm bảo dự án sẽ “sống lại”. Có những thương vụ “mua bán, sáp nhập” dự án nghe to tát nhưng “bên mua” chỉ chuyển cho bên bán chưa đến 3 tỷ đồng, sau đó sẽ tiếp tục thanh toán theo tiến độ đóng tiền của khách hàng (nếu bán được). Nhưng việc bán hàng không như kỳ vọng nên dự án tiếp tục bế tắc. Khi chủ đầu tư dự án khó khăn về tài chính mới tìm đối tác mạnh về tài chính, chuyên nghiệp về bán hàng, để hồi sinh dự án. Nếu đối tác không đảm bảo 2 yếu tố trên thì dự án khó “hồi sinh”.
ĐỖ TRÀ GIANG