Trên 3.000 sản phẩm nhà ở được bán
Điểm sáng nhất có lẽ là thị trường có thêm nguồn cung sản phẩm nhà ở, mặc dù trong nhiều cuộc họp trước đó các chủ đầu tư “la oai oái” rằng bị vướng trăm thứ thủ tục, dự án bị ách tắc.
Theo công bố mới nhất của Sở Xây dựng TPHCM, trong quý 1-2020 đã có 3.137 sản phẩm nhà ở là căn hộ, nhà phố của 9 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai. Đáng chú ý, dự án Khu văn phòng - thương mại - dịch vụ căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn có vị trí đắc địa (đối diện chợ Bến Thành, thuộc phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) sau nhiều năm khởi động ì ạch, nay cũng được mở bán 214 căn hộ.
Theo công bố của chủ đầu tư, hiện nay mặc dù được cơ quan chức năng cho phép nhưng vẫn chưa mở bán căn hộ của dự án. Đồng thời, dự án đang thế chấp tại Ngân hàng SHB chi nhánh Tây Hà Nội, nếu mở bán thì dòng tiền sẽ chuyển vào tài khoản của ngân hàng. Giải thích vì sao dự án triển khai ì ạch, đại diện chủ đầu tư cho biết, là dự án đầu tiên ở Việt Nam xây dựng 6 tầng hầm, có những khó khăn, phức tạp kéo dài. Theo kế hoạch, cuối năm nay khối tháp sẽ được triển khai, thành phố đã gia hạn thời gian cho phép dự án hoàn thành vào năm 2024.
Một dự án nằm trong khu Thủ Thiêm là Metropole Thu Thiem với 456 căn hộ cũng đủ điều kiện tung ra thị trường. Dự án có số lượng căn hộ lớn được công bố thuộc về Khu dân cư Hoàng Nam (phường An Lạc, quận Bình Tân), với 1.743 căn hộ.
Có lẽ đặc biệt nhất là 352 căn nhà ở xã hội thuộc dự án Nam Phan (phường Phú Hữu, quận 9) được mở bán. Bởi lâu nay, các dự án nhà ở xã hội mở bán rất nhỏ giọt, do hình thành rất khó khăn. Ngoài các dự án nêu trên, hàng loạt dự án khác đủ điều kiện pháp lý công bố ra thị trường nằm ở các quận 7, 2, Thủ Đức…
Chung tay vượt khó
Trong bối cảnh mặt bằng kinh doanh khó khăn, nhiều chủ đầu tư đã công bố các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ giảm 20% - 40% tiền thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại các dự án Moonlight Plaza (quận Thủ Đức), Saigon Mia (huyện Bình Chánh), Vung Tau Melody (TP Vũng Tàu). Tập đoàn Vingroup cũng tuyên bố dành 300 tỷ đồng để hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống với 79 trung tâm thương mại, dành cho các khách hàng có hợp đồng thuê giá cố định.
Đối với khách hàng mua sản phẩm nhà ở thì sao? Giám đốc một công ty làm các sản phẩm địa ốc nghỉ dưỡng cho biết, phải lùi lịch thanh toán cho một số trường hợp khách hàng bị kẹt tiền, không thể đóng tiền theo tiến độ. Một dự án tại Khu Nam TP bán nhà hình thành trong tương lai cũng rơi vào tình trạng tương tự, chủ đầu tư đã hoãn lịch xây nhà cho khách hàng, do khách gặp khó khăn trong việc gom tiền để nộp cho chủ đầu tư.
Còn các chủ đầu tư thì ứng phó như thế nào? Theo nhiều dự báo, nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), dễ rơi vào tình cảnh phá sản. Các tình huống phải đối mặt là sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể DN bị mất thanh khoản; tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu; tăng khả năng DN bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, thị trường đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế “khó chồng khó”, nên các DN đang phải hết sức để nỗ lực cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
Nhằm chia sẻ khó khăn với DN đầu tư kinh doanh bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp tháo gỡ: Xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 6 (đưa vào dự thảo nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19); chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 3 đến tháng 6 cho các DN. Đặc biệt, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các DN, trong đó có DN bất động sản. |