Thị trường mỹ phẩm Việt Nam tăng trưởng 6%/năm, sẽ đạt 3,5 tỷ USD vào năm 2026

Với hơn 100 triệu người, Việt Nam đứng thứ 15 thế giới về dân số, trở thành thị trường nhiều tiềm năng, hấp dẫn đối với nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hương liệu - Tinh dầu - Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) cho biết, diễn đàn “Kết nối giao thương ngành làm đẹp Trung Quốc và ASEAN” sẽ diễn ra ngày 8 và 9-5-2024 tại Khách sạn Rex, TPHCM. Khoảng 250 doanh nghiệp hóa mỹ phẩm tại Quảng Đông, Trung Quốc cùng với khoảng 150 doanh nghiệp tinh dầu, mỹ phẩm Việt Nam đăng ký tham dự.

VOCA-1.jpg

Theo TS Nguyễn Văn Minh, đây là kết quả của chuyến tham dự “Tuần lễ mỹ phẩm quốc tế Quảng Châu - Trung Quốc” năm 2023, khi ông có bài thuyết trình về lợi thế của Việt Nam trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu (tinh dầu, dược liệu: lá, hoa, rể, thân, củ, hạt), vốn rất phong phú, đa dạng nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng suốt chiều dài của đất nước; cũng như nhu cầu sử dụng mỹ phẩm làm đẹp gia tăng, không chỉ của người phụ nữ Việt Nam mà cả với người có tuổi, kể cả phái mạnh.

Các doanh nghiệp mỹ phẩm Trung Quốc, sau thời gian khá dài làm gia công cho các thương hiệu trên thế giới, đến nay đã đủ năng lực, cũng như tự tin để “ra khơi” và Việt Nam là cửa ngõ vào các nước ASEAN. Cùng với việc tìm nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm; doanh nghiệp từ Trung Quốc còn tìm kiếm đối tác để xây dựng nhà máy, nhà cung cấp nguyên liệu doanh nghiệp trong nước để sản xuất cũng như xuất khẩu nguồn nguyên liệu như: tinh dầu trầm hương, tràm, sả, gừng, hồi, hồ tiêu, chùm ngây, tỏi, mùi tàu, húng quế, tía tô, thì là... sang thị trường Trung Quốc nhằm bổ sung và cạnh tranh hơn khi chi phí lao động trong nước không còn thấp như trước.

Vì vậy, TSKH Lương Thị Sao Băng, PTGĐ Công ty CPDDTXNK Quốc tế cho rằng, bên cạnh thách thức, đây còn là cơ hội để doanh nghiệp về tinh dầu, hương liệu trong ngành mở rộng thị trường, tích lũy kinh nghiệm. Đây cũng là dịp để nâng cao thu nhập người nông dân khi những sản phẩm xuất khẩu trên, trước đây chủ yếu làm thực phẩm, nay trở thành nguyên liệu cho mỹ phẩm và sẽ có giá trị cao hơn.

Nhưng theo Trưởng Ban Truyền thông VOCA, các doanh nghiệp cần làm tốt vùng nguyên liệu, cần chuẩn bị tốt ấn phẩm, trong đó, yêu cầu đầu tiên đối với nhà cung cấp là cần có hồ sơ chứng minh năng lực thông tin về chất lượng sản phẩm.

Với hơn 100 triệu người, Việt Nam đứng thứ 15 thế giới về dân số, trở thành thị trường nhiều tiềm năng, hấp dẫn đối với nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm; nhất là khi nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

Theo khảo sát của EuroMonitor International (Tập đoàn nghiên cứu hơn 80 thị trường của Anh quốc), tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường mỹ phẩm Việt Nam là 6%/năm, tăng lên gần 2,7 tỷ USD năm 2021, so với 2 tỷ USD năm 2016, khả năng đến năm 2026 là 3,5 tỷ USD.

Trong khi đó, theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), từ năm 2015-2022, số phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được công bố tại đây và các sở y tế là 296.116 phiếu, trong đó mỹ phẩm nhập khẩu chiếm 70% về lượng. Ngành công nghiệp mỹ phẩm Việt Nam còn nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại. Tổng số cơ sở sản xuất trong nước 965 cơ sở, nhưng mới có 35 cơ sở sản xuất đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của ASEAN.

Tin cùng chuyên mục