Nhưng đó chỉ mới là nợ xấu nội bản, chưa tính đến hàng chục ngàn tỷ đồng mà các NH đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
“Đại hạ giá” vẫn ế!
Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã cho phép hình thành thị trường mua bán nợ theo cơ chế thị trường, trong đó có quy định rất quan trọng là cho VAMC và các NH được mua bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách. Tuy nhiên, sau 5 tháng thực hiện kể từ khi được cho thí điểm, hiện vẫn chưa có bao nhiêu tài sản bán được, ngay cả khi đã “đại hạ giá”.
Cụ thể, trong tháng 12-2017, NH Sacombank đã tổ chức đấu giá 3 lần đối với 3 lô đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa 3 (Long An), có tổng trị giá gần 10.000 tỷ đồng, nhưng đã thất bại. Đáng chú ý, sau 2 lần đầu thất bại, NH này đã giảm giá bán đến 898 tỷ đồng để rao đấu giá lần 3 vào ngày 22-12. Mặc dù đến nay Sacombank vẫn chưa công bố kết quả đấu giá lần 3, nhưng theo nguồn tin riêng của Báo SGGP, cả 3 tài sản này vẫn chưa có người mua. Trước đó, nhiều NH cũng đã rao bán hàng loạt tài sản, nhưng rất ế khách.
Theo những chuyên gia trong ngành, các NH không dễ bán tài sản là nợ xấu vì hiện nay còn thiếu cơ sở dữ liệu bao quát về nợ xấu, việc định giá và đánh giá mức độ tín nhiệm các khoản nợ còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khung pháp lý về mua bán nợ vẫn chưa hoàn chỉnh; các hướng dẫn chi tiết để thực thi các phương thức mua bán nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn chưa được ban hành.
Không chỉ riêng các NH khó bán nợ, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng ban Kiểm soát VAMC, việc xử lý nợ xấu mà VAMC đã mua của tổ chức tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nên việc bán và phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ đạt hiệu quả thấp. Ví dụ, tòa nhà Saigon One Tower trị giá 7.000 tỷ đồng tại quận 1 được VAMC xiết nợ vào tháng 8-2017, được cho là phát súng đầu tiên phá tảng băng nợ xấu, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong. Theo ông Hùng, việc tiến hành phát mại tài sản thế chấp hiện có quá nhiều vướng mắc pháp lý và thực tế không dễ vượt qua được.
Ông Hùng cũng cho rằng Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu hoạt động đúng nghĩa theo nguyên tắc thị trường. VAMC mua nợ từ các tổ chức tín dụng, nhưng chưa có thị trường để công ty này bán lại cho các tổ chức khác. Chính vì thế, VAMC hiện cũng chỉ dừng lại ở mức “giam” nợ xấu của các NH chứ chưa thể xử lý nợ một cách rốt ráo. Vì thực chất, các khoản nợ xấu mà VAMC mua vẫn là nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Hàng năm, các tổ chức tín dụng vẫn phải trích 20% dự phòng rủi ro và nếu sau 5 năm không bán được, nợ sẽ trả về lại cho tổ chức tín dụng.
Cần khơi thông thị trường mua bán nợ
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9-2017 là 2,34%, giảm so với mức 2,46% của cuối năm 2016. Tuy nhiên, nếu tính luôn cả nợ tiềm ẩn, nợ VAMC đã mua, thì tổng mức nợ xấu đến cuối tháng 9-2017 là khoảng 566.000 tỷ đồng, tương đương 8,61%.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NH trong năm 2017 lên đến 9,5%. Rõ ràng, mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng mức độ xử lý nợ xấu hiện vẫn chưa được như kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu thực chất vẫn còn cao.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần thiết phải phát triển thị trường mua bán nợ và đây sẽ là bước tiến mới trong quá trình phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.
Để phát triển thị trường mua bán nợ, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng NH BIDV, cho rằng thị trường cũng cần phát triển các nhà môi giới mua bán nợ chuyên nghiệp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính phi NH và các tổ chức, cá nhân khác. Ngoài ra, thị trường cần có thêm các thành phần hỗ trợ, cung cấp dịch vụ như: công ty định giá, bảo lãnh, các tổ chức trung gian chuyên trách…
Về cách thức tổ chức, thị trường mua bán nợ tập trung nên thông qua một sàn giao dịch trực tuyến, nhằm giúp thông tin công khai và minh bạch, tạo được cơ sở giá và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. Hiện nay nguồn cung cho thị trường mua bán nợ khá dồi dào. Vấn đề cần giải quyết là xây dựng cơ chế vận hành, hoàn thiện khung pháp lý, cũng như thúc đẩy sự hình thành và phát triển các chủ thể trên thị trường. Cụ thể là cần phải có các quy định hoàn thiện hàng hóa (nợ), hoàn thiện tài sản đảm bảo, mới có thể tiến hành mua bán trên thực tế được.
Theo TS Cấn Văn Lực, kinh nghiệm xử lý nợ xấu hiệu quả tại nhiều nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… cho thấy các nước này khá thành công trong việc phát triển thị trường mua bán nợ, với sự tham gia rộng rãi của các nhà đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, rất cần phải có khuôn khổ pháp lý đồng bộ và nhất quán để hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu được đảm bảo thông suốt.