Thị trường trái phiếu dần cải thiện

Sau một thời gian “đóng băng”, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã rục rịch trở lại.

Quy mô và thanh khoản đã tăng

Sau hơn 1 năm kể từ thời điểm xảy ra hàng loạt sai phạm về TPDN của các doanh nghiệp như Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát…, gây mất lòng tin cho nhà đầu tư, thị trường TPDN gặp nhiều khó khăn, đến nay thị trường TPDN đã ghi nhận nhiều đợt phát hành thành công.

Thông tin từ Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm đã có 70 doanh nghiệp phát hành TPDN với tổng giá trị 180.400 tỷ đồng. Dù lượng TPDN phát hành giảm hơn 45% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã bắt đầu tăng trở lại. Cụ thể, trong tháng 10, khối lượng phát hành TPDN đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 17.000 tỷ đồng so với tháng 9. Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết, việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ, tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện, khối lượng phát hành tăng. Đặc biệt là từ khi Nghị định 08/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ đầu tháng 3-2023, khối lượng phát hành TPDN đạt 179,5 ngàn tỷ đồng.

Công ty CP Chứng Khoán Kis Việt Nam nghiên cứu giá cả biến động của thị trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công ty CP Chứng Khoán Kis Việt Nam nghiên cứu giá cả biến động của thị trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trên thị trường sơ cấp, TPDN riêng lẻ chủ yếu được nhà đầu tư tổ chức mua chiếm trên 95%, nhà đầu tư cá nhân chỉ 5%. Trên thị trường thứ cấp, giao dịch TPDN riêng lẻ trên hệ thống giao dịch tập trung, sau hơn 3 tháng kể từ khi sàn giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào hoạt động, quy mô và thanh khoản đã có bước tăng trưởng. Đến nay, thị trường đã tiếp nhận và đưa vào giao dịch 451 mã trái phiếu của 114 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt khoảng 336.768 tỷ đồng. Quy mô giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 49.392 tỷ đồng sau 10 tháng, bình quân giá trị giao dịch đạt 676,6 tỷ đồng/phiên. Riêng tháng 10-2023, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 29.300 tỷ đồng, bình quân khoảng 1.331 tỷ đồng/phiên.

Mua trước hạn chủ yếu từ ngân hàng

Không chỉ phát hành TPDN thành công tăng, trong 10 tháng đầu năm, lượng TPDN được mua lại trước hạn cao hơn cả lượng TPDN phát hành. Cụ thể, các doanh nghiệp đã mua TPDN trước hạn đạt 90,7 ngàn tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, đáng lưu ý là doanh nghiệp mua lại TPDN nhiều nhất là ngân hàng, chiếm 61% lượng TPDN phát hành.

Lý giải việc các ngân hàng thương mại mua lại TPDN trước hạn thời gian qua, chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, hệ thống ngân hàng đang dư thừa tiền nên các ngân hàng tập trung mua lại TPDN trước hạn để vừa chữa “bệnh thừa tiền”, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cải thiện hệ số an toàn vốn.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại mua TPDN trước hạn khá lớn cho biết, lãi suất huy động đã giảm mạnh, hiện ở mức xung quanh 5%/năm nên ngân hàng đẩy mạnh mua lại TPDN với mức lãi suất cao của TPDN được phát hành thời gian trước. “Việc mua lại trước hạn cũng để ngân hàng có dư địa phát hành TPDN mới có kỳ hạn trên 5 năm nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay trung và dài hạn, vì từ tháng 10-2023 NHNN đã giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 34% xuống còn 30%”, vị này cho hay.

Ông NGUYỄN ĐỨC CHI, Thứ trưởng Bộ Tài chính: Xử lý nghiêm các doanh nghiệp không giao dịch TPDN riêng lẻ qua sàn

Về xử lý các sai phạm trên thị trường TPDN, thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được đơn thư khiếu nại của nhà đầu tư liên quan đến vụ việc Ngân hàng SCB - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đơn thư của người dân đến gửi tiết kiệm được một số ngân hàng mời chào mua TPDN. Các đơn thư này đang được bộ giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì xử lý, đồng thời đã phối hợp chuyển đơn thư cho Bộ Công an.

Hiện Bộ Công an đang điều tra đối với vụ việc của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Riêng việc hiện vẫn còn nhiều mã TPDN riêng lẻ của các doanh nghiệp đã phát hành mà chưa đăng ký giao dịch qua sàn, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan trực thuộc tiến hành giám sát, kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cũng cho thấy, trong 10 tháng đầu năm, ngành ngân hàng phát hành TPDN chiếm tỷ lệ cao nhất với 99.023 tỷ đồng (chiếm 47,3% tổng số TPDN phát hành). Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: ACB 16,4 ngàn tỷ đồng, Techcombank 14 ngàn tỷ đồng, OCB 11,2 ngàn tỷ đồng... Tiếp sau là nhóm ngành bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 73 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36%.

Mặc dù việc mua TPDN trước hạn thời gian qua khá tích cực nhưng áp lực đảo nợ TPDN cũng rất lớn, từ nay đến cuối năm khoảng 61,6 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp xin khất nợ khá nhiều. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, tính đến tháng 10-2023, có hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ, tổng giá trị được gia hạn hơn 95,2 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán MBS thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2023, đã có khoảng 99 doanh nghiệp thông báo về việc chậm, hoãn thanh toán gốc, lãi TPDN với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 190 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 70% giá trị chậm trả.

Về việc này, Bộ Tài chính cho biết, cùng Ủy ban Chứng khoán làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có dư nợ TPDN lớn, yêu cầu các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm tới cùng trong việc thanh toán nghĩa vụ TPDN. Trường hợp có khó khăn, phải chủ động làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán trái phiếu phù hợp.

Tin cùng chuyên mục