Thể thức này được cho là phù hợp với tình hình “bình thường mới” vốn bị tác động từ dịch Covid-19 cũng như mật độ thi đấu dồn dập của các đội tuyển quốc gia, đội tuyển U23 trong năm sau.
Nhưng điều quan trọng nhất để các nhà tổ chức duy trì thể thức thi đấu có phần lạ lẫm ấy chính là những giá trị tích cực có được trong năm 2020. Dù cho mùa bóng bị tạm hoãn, dừng đến 3 lần và hiện vẫn chưa biết khi nào mới kết thúc nhưng các thông số chuyên môn lại tốt hơn nhiều so với những con số trung bình của các mùa trước. Khán giả tăng gấp rưỡi đi kèm với tỷ lệ trận đấu có chuyên môn cao xấp xỉ 90% dù về lý thuyết giải chưa đi được quá nửa hành trình.
Hai yếu tố nói trên mang ý nghĩa quyết định đến khả năng thu hút tài trợ cùng doanh thu của toàn bộ nền bóng đá, kể cả khi tổng số lượng trận đấu trong mùa có giảm đi. Như vậy, trong hoàn cảnh bất khả kháng khiến hoạt động thi đấu bị xáo trộn lớn, thiệt hại là có nhưng cũng tạo cơ hội để các nhà tổ chức thử nghiệm các giải pháp mang đến lợi ích lớn hơn cho người xem cũng như sự phát triển lâu dài của bóng đá chuyên nghiệp. Bởi nói cho cùng, để bóng đá có thể “nuôi” chính mình, cách duy nhất là phải tạo ra được sự hấp dẫn, thuyết phục người xem bằng yếu tố chuyên môn. Ít đội bóng, ít trận đấu nhưng khán giả vẫn đông thì giảm được chi phí, áp lực cho nhà tổ chức cũng như tăng hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp muốn đóng góp cho bóng đá.
Nhưng hoàn cảnh bắt buộc phải thay đổi chỉ là điều kiện cần, cái chính vẫn là sự linh hoạt, chủ động tìm kiếm sự thay đổi của những người điều hành. Không phải những thay đổi đấy đã tốt cho mọi đội bóng, nhất là những CLB ít đầu tư, chỉ muốn thi đấu an toàn trụ hạng năm này sang năm khác. Nếu các nhà tổ chức không có bản lĩnh, không có uy tín với số đông thì cũng không dễ để thuyết phục nhà tài trợ và nhiều đội bóng thuận theo thay đổi của mình. Nói cách khác, năng lực của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hay Công ty điều hành giải là VPF phải tốt, đó là “điều kiện đủ” để tạo ra sự thay đổi.
Tiếc là thể thao Việt Nam lại đang gặp vấn đề lớn ở chính “điều kiện đủ”. Một thời gian dài các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong thể thao hoạt động thiếu hiệu quả dẫn đến thực tế là khi gặp hoàn cảnh bất lợi thì các môn thể thao rơi vào trạng thái “chịu trận”, chờ đợi mọi thứ quay lại bình thường cho dù không ai dự báo được khi nào.
Nhiều môn từ trước đến nay vẫn tổ chức mà không có khán giả, không có tiền tài trợ thì khi gặp khó khăn lại chẳng có động lực nào để nỗ lực tổ chức. Giả sử như môn thể thao đó có nhà tài trợ dài hạn, có lượng khán giả lớn, sức hút trên truyền thông thì đương nhiên họ phải bận rộn với việc đàm phán với doanh nghiệp, tìm cách kết nối với khán giả để duy trì, thậm chí còn phải lên kế hoạch cho năm kế tiếp để duy trì vị thế đang có.
Thực tế, với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, cách thức tổ chức và cơ hội kinh doanh của thể thao chuyên nghiệp thay đổi rất nhanh, kể cả khi không xảy ra dịch Covid-19. Những môn thể thao như E-sports, chạy bộ ảo, xe đạp thực tế ảo, quần vợt ảo… đang lớn mạnh cùng sự phát triển của công nghệ. Điều đó cũng khiến cho các môn kén người xem như cờ, billiards… dần chuyển sang nền tảng thi đấu trực tuyến. Nói cách khác, dịch covid-19 khiến thể thao bị ngưng trệ nhưng đồng thời cũng thúc đẩy sự chuyển đổi. Điều quan trọng là những môn, những nhà tổ chức đang gặp khó khăn ngay trong điều kiện bình thường có đủ khả năng thích ứng để nhân cơ hội tạo ra sự thay đổi cho chính mình hay không.
Thế nên, bản chất vẫn là năng lực của các đơn vị điều hành, quản lý. Một liên đoàn mạnh thì có gặp đôi chút khó khăn cũng không làm cho môn thể thao của mình yếu đi. Ngược lại, vốn đã không hoạt động tốt, qua dịch Covid-19, có nguy cơ nhiều môn thể thao ở Việt Nam sẽ mất rất nhiều thời gian mới hồi phục được do những tồn tại, yếu kém đã được nói quá nhiều.