Đúng như dự đoán của nhiều nhà bình luận quốc tế, cuộc đàm phán cấp bộ trưởng ngoại giao giữa Ấn Độ và Pakistan với hy vọng cải thiện mối quan hệ giữa 2 nước sau 14 tháng gián đoạn, đã không mang lại đột phá mới trong quan hệ hai nước. Thế nhưng, cho dù cuộc đàm phán khép lại chưa như mong muốn, nó cũng mở ra hy vọng mới về việc có thể xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa hai quốc gia láng giềng có nhiều mâu thuẫn hàng thập kỷ qua. Dư luận thế giới đánh giá, đây là một bước đi dũng cảm để mở cửa đối thoại lại một lần nữa.
Nhìn lại những gì xảy ra trong thời gian qua mới thấy được hết những nỗ lực của lãnh đạo hai nước khi quyết định tiến hành đàm phán. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ vụ khủng bố Mumbai khiến 166 người Ấn Độ thiệt mạng. Ngay sau vụ khủng bố Mumbai, Ấn Độ đã ngừng tất cả các cuộc đối thoại với Pakistan.
Căng thẳng giữa hai nước lên tới đỉnh điểm khi cả hai bên cùng đặt lực lượng quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. New Delhi cáo buộc các phần tử khủng bố có căn cứ tại Pakistan đã gây ra vụ trên, và tuyên bố đàm phán sẽ chỉ được nối lại nếu Islamabad có các bước cụ thể trong việc trấn áp các tổ chức vũ trang ẩn náu tại nước này, đưa những phần tử bị bắt ra xét xử.
Mới đây, ngày 13-2, vụ đánh bom tại thành phố Pune, miền Tây Ấn Độ, đã phủ một đám mây mù lên quan hệ hai nước ngay trước khi các nhà lãnh đạo chuẩn bị đàm phán. Vụ này khiến lãnh đạo Arun Jaitley của đảng đối lập BJP của Ấn Độ đã kêu gọi chính phủ hủy bỏ cuộc đàm phán.
Cuộc đàm phán này được dư luận đặc biệt quan tâm vì tình hình khu vực châu Á và trên thế giới sẽ trở nên nguy hiểm nếu xảy ra xung đột quân sự giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử là Ấn Độ và Pakistan.
Hơn nữa, các diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới chiến lược chống khủng bố quốc tế của Mỹ trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Barack Obama. Kế hoạch của Mỹ là sẽ tập trung sức lực chống khủng bố tại Afghanistan, Pakistan trong khi đó phải ra tay hành động trong khu vực các bộ lạc sát biên giới Afghanistan, được coi là nơi ẩn náu của lực lượng Al Qaeda và Taliban. Mỹ không muốn Pakistan tổn hao lực lượng ở Ấn Độ.
Cuộc đối thoại được xem là dũng cảm còn vì cả hai bên đều quyết định gặp nhau bàn thảo không phải về những vấn đề chung. Mỗi bên đưa ra những mối quan tâm của riêng mình. Ấn Độ muốn tập trung thảo luận về vấn đề khủng bố. Pakistan lại muốn tranh luận về những vấn đề ảnh hưởng tới hai nước, trong đó có vấn đề Kashmir, một khu vực tranh chấp từng gây ra 3 cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ năm 1947, trong khi biết Ấn Độ luôn khẳng định đó là vùng lãnh thổ của mình.
Cuộc đàm phán đã cho thấy thiện chí của lãnh đạo hai nước là mong muốn mang lại hòa bình, ổn định trong khu vực. Nhiều ý kiến cho rằng, không có đột phá mới sau đàm phán nhưng bản thân cuộc đối thoại đó đã là một thành công. Thành công vì cả hai bên chủ động tạo cơ hội để bày tỏ chính kiến và những vấn đề quan tâm của mình để hiểu nhau hơn. Hy vọng vẫn tồn tại khi đại diện hai nước cho biết vẫn tiếp tục nỗ lực để đến thời điểm thích hợp, Ấn Độ và Pakistan sẽ tiếp tục ngồi lại với nhau lần nữa.
THIÊN NHƯ