Thiệt hại nặng do lũ lụt, sạt lở ở phía Bắc - Đã có 31 người chết và mất tích

Thiệt hại nặng do lũ lụt, sạt lở ở phía Bắc - Đã có 31 người chết và mất tích

(SGGP).- Hôm qua 5-7, ở nhiều nơi thuộc miền Bắc vẫn có mưa to trên diện rộng, kéo dài cả ngày lẫn đêm. Lũ từ thượng nguồn dồn về đã làm mực nước các sông Hồng, sông Lô, sông Gâm lên cao.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhiều nơi đã có lượng mưa đạt tới 200mm như ở Bắc Mê (Hà Giang), Than Uyên (Lai Châu), Chợ Rã (Bắc Kạn), Bảo Lạc, Nguyên Bình, Trùng Khánh (Cao Bằng). Theo dự báo, vào sáng nay 6-7, mực nước sông Hồng tại Hà Nội có thể đạt tới 5m. Đặc biệt, theo các chuyên gia dự báo, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mưa lớn sẽ vẫn bao phủ như những ngày qua, nguy cơ lũ ống, lũ quét có thể vẫn còn xảy ra.

Mưa lũ gây sạt lở cắt đứt đường vào xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Mưa lũ gây sạt lở cắt đứt đường vào xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, do mưa lũ lớn bất ngờ ngay từ đầu mùa nên đã để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh thuộc Tây Bắc bộ và Đông Bắc bộ. Tính đến chiều qua, tại các tỉnh chịu thiệt hại nặng như Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang… đã có ít nhất 31 người chết và mất tích.

Cụ thể, tại huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) mưa lũ đã làm 5 hộ dân bị sập hoàn toàn nhà cửa, 88 ngôi nhà khác bị ngập nặng, trên 50ha lúa và hoa màu ở các xã: Nhạn Môn, Công Bằng, Giáo Hiệu thuộc huyện Pác Nặm hiện vẫn chìm trong nước lũ.

Đặc biệt, ở hai xã Công Bằng và xã Nhạn Môn đã có ít nhất 9 ngôi nhà bị núi lở xuống vùi lấp hoàn toàn. Do bị cô lập hoàn toàn nên đến chiều 5-7, lực lượng cứu hộ của tỉnh Bắc Kạn mới tiếp cận được nơi núi lở.

Thống kê bước đầu, thiệt hại trên địa bàn huyện Pác Nặm rất nặng nề. Chỉ riêng hai xã Công Bằng và Nhạn Môn, tính đến tối qua, đã có 13 người chết và 11 người khác hiện vẫn còn đang mất tích. Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bắc Kạn, do giao thông vẫn bị chia cắt, việc tìm kiếm các nạn nhân gặp nhiều khó khăn nên có thể lượng người chết và mất tích còn tăng lên.

Còn tại Hà Giang, tính đến chiều 5-7, đã có ít nhất 2 người ở huyện Bắc Mê và Hoàng Su Phì bị lũ cuốn trôi. Đặc biệt, có 70 hộ dân đang nằm ở vùng có nguy cơ bị lở núi. Ước tính thiệt hại ban đầu của huyện Bắc Mê lên tới khoảng 10 tỷ đồng.

Tại Cao Bằng, đến tận chiều qua, vẫn còn hơn 500 hộ dân ở thị xã Cao Bằng bị ngập nước và ít nhất 315 ha lúa hoa màu bị hư hại.

Do mưa lớn ở thượng nguồn Tây Bắc và Đông Bắc nên mực nước trên các sông thuộc Bắc bộ đang dâng nhanh. Để đảm bảo an toàn cho công trình hồ chứa, Nhà máy thủy điện Tuyên Quang đã phải mở ngay 2 cửa xả đáy trong ngày 4-5 và mở tiếp cửa xả đáy thứ ba vào trưa hôm qua, 5-7.

Đồng thời, rạng sáng qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng chỉ đạo Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy đầu tiên để đảm bảo an toàn cho đập thủy điện và vùng thượng nguồn sông Đà.

Ph.Hậu

Tin cùng chuyên mục