Đó là vấn đề chưa tìm được lời giải thỏa đáng đối với yêu cầu tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Anh giỏi để tạo môi trường giao tiếp, sử dụng tiếng Anh đạt chuẩn của các trường học ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Giáo viên phát âm sai...
Câu chuyện được nhắc đến trong bài viết này không mới nhưng tiếp tục gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh trước thềm năm học mới. Đó là việc học sinh ở cấp tiểu học và THCS ở TPHCM hay than thở với cha mẹ rằng “cô giáo của con nói tiếng Anh kỳ lắm”. Theo các em, cách phát âm của một số giáo viên dạy tiếng Anh không những không đúng chuẩn mà còn sai so với những gì các em học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài hoặc tiếp xúc qua băng dĩa, giáo trình tiếng Anh chuẩn.
Trong khi thời nay, nhiều học sinh có khả năng, tự tin giao tiếp với người nước ngoài thì phần đông thầy cô giáo dạy tiếng Anh yếu về khả năng nghe nói và không thể nói chuyện với người bản xứ. Chính độ vênh khó chấp nhận này đang đặt ra yêu cầu giáo viên dạy tiếng Anh phải đạt chuẩn và không thể tiếp tục duy trì tình trạng học ngoại ngữ theo chuẩn của Việt Nam.
Bộc bạch về điểm yếu này, nhiều giáo viên thừa nhận, họ chỉ được đào tạo theo chuẩn ra của Việt Nam và ra trường cũng dạy theo chuẩn đọc, viết là chính, ít có cơ hội được tiếp xúc với người bản xứ, bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Vì thế, kỹ năng nghe nói kém là tất yếu và không dễ gì khắc phục trong thời gian ngắn.
Nhìn vào kết quả khảo sát chuẩn giáo viên ở các địa phương trong cả nước chỉ đạt 3% và TPHCM khá hơn cũng chỉ đạt trên 10%, cho thấy bức tranh giáo dục ngoại ngữ đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Đúng là không thể chấp nhận thực trạng dạy ngoại ngữ không gắn với thực hành và dạy lệch chuẩn, chỉ chú trọng kỹ năng đọc - viết để thi cử như ở Việt Nam. Trong khi thị trường lao động thời hội nhập quốc tế đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, biết giao tiếp bằng tiếng Anh thì phần đông học sinh, sinh viên Việt Nam chỉ biết giao tiếp bằng tay hoặc bị “câm, điếc”. Trong cái vòng luẩn quẩn thiếu giáo viên đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu mà đề án 2020 của Bộ GD-ĐT về dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đặt ra, nhiều địa phương cảm thấy “lực bất tòng tâm” khi chưa tìm ra giải pháp khả thi thay đổi tình hình.
Theo chuyên gia ngoại ngữ Lê Huy Lâm, nguyên giảng viên tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, muốn học tiếng Anh hiệu quả thì môi trường giao tiếp - thực hành là quan trọng nhất. Ngoài yếu tố sĩ số lớp học đạt chuẩn, có trang thiết bị máy móc luyện âm tốt, điều quan trọng bậc nhất là phải có giáo viên giỏi. Có giáo viên giỏi mới có trò giỏi (nói được và phát âm tốt). Muốn ngoại ngữ giỏi phải dạy kỹ năng (giống như dạy võ thuật - nghĩa là có thị phạm, có thực hành, sửa chữa động tác phát âm). Cách dạy hiện nay của ta từ trong sách giáo khoa - nặng về ngữ pháp, đọc hiểu nên muốn sửa chữa rất khó và muốn thay đổi ngay cũng không dễ.
Cần chính sách đãi ngộ hợp lý
Tuy trình độ giáo viên tiếng Anh và mặt bằng sử dụng tiếng Anh của học sinh ở TPHCM cao hơn nhiều tỉnh, thành phố (TP) khác nhưng tỷ lệ chỉ có trên 10% đạt chuẩn và ở mức thấp cũng là nỗi lo của ngành giáo dục TPHCM. Với mong muốn cải thiện tình trạng nghe nói-giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh, nhiều năm qua TPHCM đã thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường và áp dụng đại trà từ năm 2010.
Tính đến nay, đã có 80% học sinh TP được học các chương trình tiếng Anh. Để giúp học sinh có cơ hội thực hành, giao tiếp tiếng Anh, nhiều trường đã thuê giáo viên bản ngữ dạy 1-2 tiết/tuần. Nỗ lực này của ngành giáo dục TP và các trường đã tạo sự thay đổi về chất - nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh TP. Tuy nhiên, cơ hội được tiếp xúc, thực hành với người bản ngữ chưa nhiều và chưa đồng đều ở các trường, nhất là khu vực ngoại thành.
Để nâng cao trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh cho giáo viên, năm 2013, ngành giáo dục TPHCM đã tổ chức bồi dưỡng cho 2.536 giáo viên các bậc học. Thực hiện đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp”, năm 2013, TP đã thí điểm tuyển giáo viên Philippines về dạy ở các trường tiểu học, THCS.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TPHCM, các giáo viên Philippines hòa nhập nhanh và tạo được môi trường giao tiếp, phát triển kỹ năng nghe nói tiếng Anh cho học sinh. Không những thế, gắn bó với trường nên giáo viên Philippines còn kích hoạt môi trường nói tiếng Anh cho đồng nghiệp Việt Nam thông qua các buổi giao ban về chuyên môn của các tổ ngoại ngữ.
Năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT tuyển dụng mới 58 giáo viên tiếng Anh cho bậc THPT và hệ giáo dục chuyên nghiệp. Đó là chưa kể các quận, huyện cũng tiến hành tuyển thêm nhiều giáo viên dạy cấp tiểu học và THCS, dù tuyển đủ số lượng nhưng việc giữ chân họ cũng rất bấp bênh vì thu nhập thấp. Khi có cơ hội việc làm với thu nhập cao hơn thì họ sẽ “bay” ngay. Đó là tâm sự của nhiều vị quản lý giáo dục. Như ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, từng lên tiếng: “Đừng đòi hỏi tuyển được giáo viên giỏi tiếng Anh với chi phí rẻ hoặc trả lương thấp”.
Như thế, để tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh chuẩn cho học sinh thì phải tiến hành đồng bộ các giải pháp và ưu tiên số một vẫn là có chính sách tuyển dụng, trả lương hợp lý cho giáo viên giỏi, có năng lực tiếng Anh đạt chuẩn.
Ông Lê Hùng Sen, Trưởng phòng Giáo dục huyện Củ Chi: “Năm học 2013-2014, huyện đã tuyển đủ giáo viên tiếng Anh theo chuẩn mới. Tuy nhiên, mong muốn tạo môi trường giao tiếp, thực hành tiếng Anh chuẩn cho học sinh của huyện vẫn là một thách thức. Ngoài 2 giáo viên người Philippines thí điểm đưa về một số trường tiểu học, THCS, hiện nay nhiều trường chưa dám thuê giáo viên bản ngữ về dạy thực hành vì khả năng đóng góp của phụ huynh còn thấp”. |
KHÁNH BÌNH