
Hiện nay, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại TPHCM còn nhiều vướng mắc do một số vấn đề phát sinh từ thực tế cuộc sống nhưng chưa có văn bản quy định, những nội dung đã được quy định thì chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành, thậm chí có nhiều quy định đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp... Những bất cập trên không chỉ gây khó khăn cho nhân dân và các doanh nghiệp khi thực hiện trách nhiệm về PCCC mà còn gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Luật có - thực hiện khó!
Trưa 14-1-2009, căn nhà 88/11/16/6 đường Nguyễn Khoái, quận 4, bốc cháy dữ dội, ngọn lửa bùng phát nhanh và có thể thiêu rụi nhiều căn nhà xung quanh. Nghe tiếng tri hô, anh Võ Văn Quyền (SN 1970) đã lao qua đám cháy cõng cụ Trần Thị Đài thoát nạn. Khi đưa được cụ Đài ra khỏi khu vực nguy hiểm, anh lao trở lại cứu một bà cụ khác nhưng đã bị ngất xỉu và chết sau đó tại bệnh viện. Tấm gương hy sinh thân mình để cứu người trong hỏa hoạn của anh Võ Văn Quyền xứng đáng được phong liệt sĩ. Vậy mà gần 1 năm qua, gia đình anh vẫn chưa được hưởng bất cứ một chế độ, chính sách nào.
Điều 10 của Luật PCCC quy định: “Người trực tiếp chữa cháy, người tham gia chữa cháy mà bị hy sinh, bị thương, bị tổn hại về sức khỏe thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật. Bộ LĐTB-XH phối hợp với Bộ Công an quy định và hướng dẫn cụ thể việc thực hiện”. Điều 7 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định như trên, tuy nhiên đến nay Bộ LĐTB-XH và Bộ Công an vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
“Việc chậm trễ ban hành các văn bản pháp luật đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc động viên quần chúng tham gia chữa cháy. Lao vào đám cháy cứu người là việc làm nguy hiểm, có thể bị cướp đi tính mạng. Nếu không có chế độ chính sách phù hợp để khuyến khích người dân thì không ai dám xả thân để tham gia chữa cháy, cứu người…” - một cán bộ Sở Cảnh sát PCCC TPHCM nói.
Hiện nay, một số nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, chung cư cao cấp trên địa bàn TPHCM sử dụng hệ thống khí đốt hóa lỏng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đây là những đối tượng có nguy cơ cháy nổ cao, nhưng theo quy định, các cơ sở này lại không có trong danh sách các dự án, công trình thuộc diện phải thiết kế và thẩm duyệt về PCCC. Kẽ hở này đã tạo ra nhiều nguy cơ cháy nổ.
“Các văn bản quy phạm pháp luật nên bổ sung các cơ sở trên vào diện phải thẩm duyệt về PCCC. Bởi trong quá trình thẩm duyệt, cơ quan chức năng sẽ phát hiện ra những sai sót và yêu cầu cơ sở chấp hành nghiêm các quy định về thiết kế, thẩm duyệt, đảm bảo về an toàn phòng chống cháy nổ. Vụ nổ lò bánh mì Vân Sơn (quận Tân Phú) vào tháng 3-2009 khiến một người tử vong, ngoài yếu tố bất cẩn trong quá trình sử dụng khí đốt, một nguyên nhân khách quan khác là cơ sở trên không được thẩm duyệt, thiết kế về an toàn PCCC trước khi đi vào sử dụng” - Trung tá Phan Văn Hiệu, Đội phó Đội Pháp chế Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết.
Cán bộ PCCC quận 4 (TPHCM) kiểm tra an toàn PCCC tại một cơ sở dệt may
Mỏi mòn chờ hướng dẫn
Luật PCCC ra đời từ năm 2001, nhưng đến năm 2003 Chính phủ mới ban hành Nghị định 35 quy định chi tiết một số điều của Luật PCCC. Đến năm 2004, Bộ Công an mới ban hành Thông tư 04 hướng dẫn cụ thể việc thi hành nghị định này. Từ khi luật ra đời đến khi ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật là một quãng thời gian khá dài. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCC trong thời gian qua.
Ngoài ra, hàng loạt nội dung khác nảy sinh trong quá trình thực hiện công tác PCCC nhưng đến nay vẫn chưa được bổ sung vào luật. Cụ thể: chưa có tiêu chuẩn quy định về PCCC đối với các công trình ngầm, công trình có tầng hầm, công trình siêu cao tầng; chưa có hướng dẫn cụ thể về việc bồi thường phương tiện, tài sản bị thiệt hại, nhà, công trình bị phá dỡ để phục vụ công tác PCCC.
Nghị định số 35 của Chính phủ quy định điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở là phải có hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện cứu người phù hợp, bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động theo quy định của Bộ Công an. Thế nhưng đến nay, Bộ Công an vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về số lượng, phương tiện PCCC đối với từng cơ sở, do đó việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, cán bộ kiểm tra thiếu căn cứ pháp lý để xử phạt.
Một số hành vi có thể dẫn đến cháy nổ như vận chuyển hàng, chất nguy hiểm về cháy nổ, để rò rỉ hoặc chảy tràn chất nguy hiểm về cháy nổ ra môi trường xung quanh… lại không được quy định trong Nghị định 123/2005/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC. Do đó, cơ quan chức năng không thể xử phạt các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi vi phạm các lỗi trên. Hơn nữa, mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCCC lại quá thấp, không đủ để răn đe, ngăn ngừa và hạn chế các vi phạm về PCCC.
Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ bổ sung mức phạt đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại trên 50 triệu đồng, nhưng chưa đến mức khởi tố vụ án hình sự, với mức phạt tiền 5-10 triệu đồng; đồng thời điều chỉnh mức phạt đối với hành vi gây cháy nổ từ 1%-10% giá trị thiệt hại của đám cháy, để giáo dục, răn đe nhằm nâng cao ý thức tự giác PCCC của người dân.
Ngoài ra, sở cũng đề nghị cấp trên nâng mức xử phạt cao hơn gấp 5-10 lần đối với một số hành vi như không niêm yết nội quy PCCC; sản xuất, kinh doanh chất nguy hiểm về cháy nổ mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn về PCCC theo quy định; bố trí nơi đun nấu không đảm bảo an toàn về PCCC; không có biện pháp chống cháy lan khi sử dụng thiết bị điện... để răn đe, khiến người dân nâng cao cảnh giác về cháy nổ.
HOÀNG HOA