Thổ cẩm Cao Bằng

NGUYÊN BÌNH
Thổ cẩm Cao Bằng

Sẽ không quá lời khi nói rằng, những nét hoa văn đặc sắc, tinh xảo, đầy ấn tượng trên thổ cẩm Cao Bằng chứa đựng cả thông điệp về nhân sinh quan, thế giới quan của người dệt, là sự kết tinh của quá trình sáng tạo nghệ thuật và quan niệm về cuộc sống đã có từ rất lâu đời của đồng bào Tày.

Thổ cẩm Cao Bằng ảnh 1

Nghề dệt thổ cẩm tại Cao Bằng.

Nghề dệt thổ cẩm phát triển nhiều nhất ở vùng Đào Ngạn, huyện Hà Quảng. Nơi có những vách đá dựng đứng, nguyên sơ và hùng vĩ, những cánh đồng lúa rập rờn trong thung lũng, những nương ngô xanh bạt ngàn, hoa trái bốn mùa dịu ngọt… Và cái hồn của thiên nhiên đã đi vào thổ cẩm qua bàn tay tài hoa của người phụ nữ Tày.

Được lưu truyền theo phương pháp truyền tay, truyền miệng, mẹ truyền cho con, bà truyền cho cháu, cứ thế từ đời này sang đời khác, nghề dệt thổ cẩm luôn được giữ gìn và phát huy.

Nguyên liệu để dệt thổ cẩm là bông hoặc tơ tằm do chính bà con tự trồng và được nhuộm các màu khác nhau. Những hoa văn trên thổ cẩm cao bằng được phân ra thành nhiều loại: hoa văn thực vật; hoa văn động vật; hoa văn hình học...

Thổ cẩm giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống tinh thần và tình cảm của người Tày, nhất là những cô gái sắp đến tuổi lấy chồng. Xưa kia, trước khi đi làm dâu, các cô gái Tày phải dành khoảng hai năm để chuẩn bị hai mặt chăn thổ cẩm, hai màn dệt trắng, hai màn che do chính tay mình làm. Vì vậy, lễ cưới thường diễn ra hai năm sau lễ dạm hỏi. Ngày đón dâu về nhà chồng, chiếc màn che của cô dâu được treo lên để mọi người cùng thưởng thức và đánh giá sự khéo léo. Thổ cẩm cũng được dùng làm quà tặng.

Đáp ứng nhu cầu của thị trường, sản phẩm thổ cẩm ngày nay đã phong phú, đa dạng hơn với trên dưới 180 loại sản phẩm khác nhau như túi xách, ba lô, khăn trải bàn… Và sản phẩm độc đáo này của miền đất biên cương đã theo chân du khách đến mọi miền đất nước.

NGUYÊN BÌNH

Tin cùng chuyên mục