Thoát nghèo nhờ giữ rừng

Sau 10 năm tỉnh Bình Phước thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường; tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng trăm hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập tuần tra rừng đặc dụng Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập tuần tra rừng đặc dụng Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Trước đây, gia đình anh Điểu Ganh, thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập nằm trong diện hộ nghèo của xã, vườn rẫy ít lại đông con. Hai vợ chồng làm thuê quanh năm cũng bữa đói bữa no. Từ hơn 10 năm nay, kể từ khi xin vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ Vườn quốc gia Bù Gia Mập, gia đình anh Điểu Ganh đã thoát nghèo và cuộc sống dần ổn định.

“Trước đây nhà tôi nghèo lắm. Nhà có hơn 1ha điều nhưng tới 5 miệng ăn. Cũng may tôi được nhận vào việc giữ rừng nên cuộc sống đỡ vất vả hơn”, anh Điểu Ganh tâm sự. Tương tự, gia đình anh Điểu Chrâm, thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập vốn rất khó khăn, người mẹ già yếu. Thấy vậy, anh Điểu Vi Rút, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Bù Dốt đã kêu gọi anh Chrâm tham gia cộng đồng giữ rừng. Hiện, gia đình anh Chrâm đã thoát nghèo và cuộc sống ổn định hơn.

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết, hầu hết diện tích rừng của Vườn quốc gia Bù Gia Mập (hơn 25.600ha) được giao khoán cho các cộng đồng thôn bản và các đơn vị bộ đội đóng chân trên địa giới hành chính của vườn. Hiện có 10 cộng đồng nhận khoán với gần 600 hộ dân tham gia, chủ yếu là người đồng bào S’tiêng, M’Nông (hơn 95%) ở các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) và xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), nhận quản lý, bảo vệ một phần diện tích rừng, một phần do các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh nhận quản lý, bảo vệ.

Theo kết quả, năm 2013, tiền DVMTR thu được hơn 14 tỷ đồng, đến năm 2022 tổng thu tiền từ DVMTR hơn 55 tỷ đồng. Mức chi trả năm 2013 mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả cho các chủ rừng hơn 200.000 đồng/ha, đến năm 2022 có khu vực được chi trả tiền DVMTR lên hơn 787.000 đồng/ha. Với mức chi trả DVMTR như hiện nay (trung bình từ 600.000-700.000 đồng/ha/năm) thì một hộ dân sẽ nhận được từ 20-25 triệu đồng/năm. Mặc dù nguồn thu nhập này không cao so với mức biến động giá cả thị trường nhưng thật sự có ý nghĩa với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bổ sung vốn đầu tư sản xuất, giúp người dân cải thiện sinh kế.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết, chính sách chi trả DVMTR được đơn vị triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2013, được xem là một trong những chính sách đột phá trong bảo vệ và phát triển rừng. Chính sách này vừa quản lý, bảo vệ được rừng vừa góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển tài nguyên rừng.

Tin cùng chuyên mục