Thời của… bưởi da xanh

Thời của… bưởi da xanh

Càng gần đến tết, các nhà vườn trồng bưởi da xanh ở ĐBSCL bận rộn khi nhiều thương lái tìm tới “săn bưởi” để đưa đi tiêu thụ khắp nơi. So với nhiều loại trái cây khác thì bưởi da xanh luôn được giá cao, từ đó giúp nhà vườn trúng đậm, hứa hẹn sẽ ăn tết lớn…

Lên đời ngoạn mục

Men theo quốc lộ Nam Sông Hậu, chúng tôi xuôi về trung tâm huyện Kế Sách rồi chạy thêm 5km nữa là tới xã Kế Thành. Anh Sáu Nám hồ hởi đưa chúng tôi đi một vòng những vườn bưởi da xanh đang “lên đời” ở xã. Khu vườn đầu tiên chúng tôi ghé là của bà Hồ Thị Bê (ấp Kênh Giữa 2) rộng tới 3,3ha; trong đó 1,2ha đang cho trái sai oằn.

Bưởi da xanh đang giúp nhiều nông dân làm giàu

Bà Bê kể, trước đây vợ chồng bà mưu sinh bằng việc làm lúa, nuôi vịt chạy đồng, trồng dưa hấu… nhưng cái nghèo cứ mãi đeo bám. Sau đó chuyển sang trồng bưởi Năm Roi thì đời sống khá hơn nhưng chưa thể làm giàu. Khoảng 7 năm trước, vợ chồng bà là hộ đầu tiên ở địa phương “liều mạng” mang bưởi da xanh về trồng trong sự hoài nghi của nhiều nhà vườn về giống bưởi còn xa lạ này. Vừa làm, vừa tìm tòi học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, dần dần cây bưởi da xanh bám rễ tươi tốt trên vùng đất Kế Thành. Khi bưởi cho trái, vợ chồng bà chủ động liên lạc với thương lái tiêu thụ với giá 40.000 - 60.000 đồng/kg. Năm 2014, tiền bán bưởi da xanh giúp gia đình có nguồn thu gần 3 tỷ đồng, cao kỷ lục trong mấy chục năm làm nông nghiệp. “Năm 2015, tôi bán nhiều đợt với giá bình quân khoảng 50.000 đồng/kg, nếu tính luôn đợt bưởi Tết Bính Thân thì dự kiến thu về hơn 3,5 tỷ đồng; như vậy đâu có cây nào cho hiệu quả kinh tế cao như bưởi da xanh. Vì thế mà nhiều người hay nói vui bưởi da xanh bây giờ là “đệ nhất cây ăn trái”, chỉ thua cây vàng và cây kim cương thôi”, bà Bê mừng ra mặt.

Theo thạc sĩ Vũ Bá Quan, Phó phòng NN-PTNT huyện Kế Sách, thành công của vợ chồng bà Bê đã tạo “cú hích” cho nhiều hộ khác trong huyện làm theo. Đến thời điểm này, người dân các xã đã trồng gần 500ha bưởi da xanh và diện tích sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Bưởi da xanh Thành Phước, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành (Bến Tre), nhìn nhận bưởi da xanh đã làm nên cuộc đổi đời ngoạn mục đối với nhiều nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói, chưa có loại trái cây nào duy trì mức giá cao và hút hàng nhiều năm liền như bưởi da xanh. Với mức giá 50.000 đồng/kg, chỉ cần 1 trái bưởi nặng khoảng 2kg là nông dân bỏ túi 100.000 đồng, cao hơn một chục dừa khô 14 trái. Giá cao chót vót nên 1ha bưởi da xanh cho thu nhập mỗi năm không dưới 1 tỷ đồng, khó loại cây nào bì kịp.

Nâng tầm bưởi da xanh

Theo nhiều nông dân ở ĐBSCL, để bưởi da xanh “lên đời” như hiện nay thì công đầu thuộc về chủ cơ sở Hương Miền Tây - ông Đàm Văn Hưng, ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Hơn 15 năm trước, bưởi da xanh được trồng rải rác trong các vườn dừa và vườn cam sành ở Bến Tre, nhưng bán không ai mua. Trong quá trình đi mua cam sành về tiêu thụ, tình cờ ông Hưng thấy bưởi da xanh rụng đầy vườn mà nông dân bỏ phế. Thế rồi ông lượm vài trái ăn thử, không ngờ rất ngon, múi bưởi khô, có màu hồng trông rất đẹp. Ông Hưng suy nghĩ, tại sao giống bưởi ngon thế này mà người tiêu dùng không “ăn”, chắc là họ chưa biết đến chất lượng của bưởi da xanh. Sau đó, ông Hưng thông báo với nhà vườn là sẽ mua bưởi da xanh với giá 2.000 - 3.000 đồng/kg. Mua được bao nhiêu ông gửi hết lên TPHCM tiêu thụ nhưng không ai chịu ăn khiến ông lỗ nặng. Không nản chí, ông lặn lội ra Hà Nội để tiếp thị. Thoạt đầu, những tiểu thương ở Hà Nội cười ông rằng có bị “thần kinh” không mà mang trái bưởi “xanh lè” như bưởi non đi bán. Ông cố giải thích đây là giống bưởi mới, tuy da màu xanh nhưng trong ruột rất ngon, năn nỉ tiểu thương cứ ăn thử để kiểm tra chất lượng. Ông đề xuất các tiểu thương cứ “tặng” cho khách hàng ăn thoải mái, khi nào họ cảm nhận “ngon” thì mới lấy tiền. Kiên trì tiếp thị mấy tháng dài, cuối cùng thị trường Hà Nội cũng chịu ăn bưởi da xanh khiến ông Hưng mừng rơn.

Thị trường tiêu thụ dần được mở rộng và giá bưởi da xanh cũng tăng lên từ 10.000 đồng/kg, rồi 20.000 đồng/kg, sau đó lên 40.000 - 60.000 đồng/kg; thậm chí có lúc cả trăm ngàn đồng/kg mà không có hàng để bán. Ông Đàm Văn Hưng tâm sự: “Năm 2007, tôi xuất lô bưởi da xanh 20 tấn đầu tiên sang thị trường Đức và nhanh chóng được người tiêu thụ chấp nhận. Sau đó, thị trường Hà Lan, Úc, Canada, Cộng hòa Czech, Trung Quốc… liên hệ mua bưởi da xanh với giá từ 2 USD/kg trở lên khiến tôi rất vui, bởi loại bưởi này đã có được chỗ đứng không chỉ ở thị trường nội địa mà thế giới cũng rất ưa chuộng”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), nhận định: “Nếu như nhiều loại cây khác thường gặp cảnh “tới mùa rớt giá” thì riêng bưởi da xanh đã nhiều năm qua giá luôn ở mức cao, sản lượng không đủ tiêu thụ trong nước; còn việc xuất khẩu luôn thiếu hàng. Đây thật sự là một bất ngờ nhưng vô cùng thú vị. Tuy nhiên, để bưởi da xanh phát triển bền vững thì SOFRI đã phối hợp cùng ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp, nông dân… khuyến khích trồng tập trung nhằm thuận lợi trong quản lý dịch hại, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ; đồng thời hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để nâng chất lượng bưởi, đáp ứng nhu cầu của những thị trường khó tính”.

Bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, tiết lộ: “Bưởi da xanh đang nằm ở phân khúc cao của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, vì vậy nông dân “xứ dừa” đã trồng khoảng 5.500ha (diện tích nhiều nhất cả nước). Song, hạn chế hiện nay là chất lượng nơi này, nơi khác chưa đồng đều và diện tích đạt tiêu chuẩn GAP còn ít. Do đó, cần tập trung nâng chất lượng để tránh nguy cơ có thể bị mất thị trường nếu cứ chạy theo số lượng”. Thấy được điều này, Cơ sở Hương Miền Tây đã mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng kho lạnh 1.400 tấn để bảo quản bưởi da xanh; đồng thời liên kết với hơn 500 hộ trồng bưởi da xanh trong việc sản xuất, thu hoạch theo đúng tiêu chuẩn, tuyệt đối không bán bưởi non, bưởi kém chất lượng… “Rất mừng là ngày càng có nhiều cơ sở thu mua, doanh nghiệp nhảy vào đầu tư theo mô hình “4 nhà” để phát triển bưởi da xanh. Từ nay đến năm 2017, SOFRI sẽ phối hợp với Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… xây dựng “chuỗi giá trị bưởi da xanh” với diện tích 100ha - 120ha mỗi tỉnh; sau đó nhân rộng sang các tỉnh khác. Cách làm này nhằm nâng tầm và tiến tới xây dựng thương hiệu cho bưởi da xanh”, tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, bộc bạch.

NGỌC DÂN

Tin cùng chuyên mục