Doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam bán trọn gói một chiếc quần jean dạng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) cho nhà nhập khẩu giá khoảng 12-15 USD/chiếc, với mức lãi vài cent. Nhưng khi nhập khẩu trở lại Việt Nam, người tiêu dùng sẽ phải mua chiếc quần này giá ít nhất 150 USD. Việt Nam - một trong những nước cung ứng hàng dệt may hàng đầu thế giới đang đứng trước một bài toán khó, làm sao để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá này?
Giá trị thương hiệu
Một DN dệt may chuyên sản xuất, xuất khẩu (XK) quần jean hiệu Levis, sang thị trường Mỹ, cho biết, DN bán giá FOB chỉ khoảng 12 - 15 USD/chiếc, với mức lãi vài cent/chiếc. Cũng với chất liệu, kiểu dáng tương tự, quần jean DN có thương hiệu trong nước sản xuất và tiêu thụ tại thị trường nội địa chỉ với giá 15 - 30 USD, rẻ hơn rất nhiều so với chiếc quần giá 150 USD nói trên nhưng vẫn bị bầm dập trong tiêu thụ! Tại sao DN dệt may XK không sản xuất tiêu thụ tại thị trường nội địa để có mức lãi cao hơn? Tại sao hàng dệt may vẫn thua trên sân nhà?... Nhiều câu hỏi đã đặt ra để tìm lời giải cho việc làm sao để tăng giá trị XK cũng như việc phát triển hàng dệt may thời trang tại thị trường nội địa. Từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ phải cộng thêm nhiều chi phí, tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất tạo ra khoảng cách chênh lệch quá lớn này chính là giá trị của thương hiệu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá trị của thương hiệu chiếm đến 70% giá thành sản phẩm.
Thị trường hàng thời trang thế giới có 4 nhóm hàng, nhóm hàng thiết kế cao cấp, hàng sản xuất theo xu hướng thời trang, hàng theo từng mùa, cuối cùng là hàng giá rẻ, đáp ứng số đông. Trên đây chỉ là so sánh với nhóm hàng thấp nhất trong XK, Việt Nam mới thực hiện được 2 nhóm hàng cuối cùng vì vậy biên độ lợi nhuận trong XK rất thấp.
Dệt may Việt Nam đi ngược với sự phát triển của thế giới, thay vì phát triển nội địa trước mới ra nước ngoài, còn Việt Nam thì phát triển XK trước và đang chật vật khó khăn để trở lại sân nhà! Chính vì vậy, việc phát triển hàng thời trang, tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng đang là một bước thử thách lớn với những DN dấn thân và càng khó hơn khi dệt may Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nước ngoài để giành lại chỗ đứng ở ngay sân nhà! Dù đã có sự chuẩn bị để hội nhập nhưng dường như DN dệt may trong nước tỏ ra đuối sức trong việc giành lại thị trường màu mỡ với hơn 90 triệu dân này. Trong khi đó, những cam kết mở rộng cửa từ các hiệp định thương mại đang rất gần kề. Hàng giá rẻ nước ngoài đang chờ sẵn, sẽ ùa vào một cách công khai khi các cam kết có hiệu lực.
Gầy dựng không dễ!
Anh Trần Đình Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Thanh An (TPHCM) chia sẻ, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nguyên phụ liệu dệt may, đại diện cho nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài tại Việt Nam, anh đã quyết định xây dựng nhãn hiệu đồ thể thao tasportswear chào bán tại thị trường nội địa và nước ngoài. Theo anh Vũ, để tiêu thụ được tại thị trường nội địa là điều không dễ, một chiếc áo thể thao chất liệu thấm hút mồ hôi của nhãn hiệu Adidas, Nike tiêu thụ tại Việt Nam có giá trên 1 triệu đồng, cũng chất liệu đó sản phẩm của tasportswear chỉ khoảng 200.000 đồng/chiếc. Khởi đầu, anh đã từng mang hàng để chào bán tại các sân tennis, khổ nỗi những chiếc áo thể thao hàng giả, nhái bán đầy rẫy trên thị trường lại rẻ hơn, chỉ có 100.000 - 150.000 đồng/chiếc. Đó là cản trở rất lớn trong việc thuyết phục khách hàng, nhưng chính chất lượng sản phẩm đã được những người chơi thể thao tin dùng.
Trả lời câu hỏi tại sao DN dệt may XK không sản xuất tiêu thụ tại nội địa để có mức lãi cao hơn? Một DN cho rằng, DN thà chấp nhận giải pháp kiếm từng cent cho 1 chiếc quần jean XK hơn là mạo hiểm, dù có mức lãi hơn khi sản xuất, tiêu thụ trong nước. Vì để làm việc này phải đầu tư mặt bằng, hệ thống phân phối, chấp nhận hàng tồn kho… Mà đây chính là cái khổ mà nhiều DN dệt may trong nước đã dấn thân, không lường trước được. Chi phí mặt bằng tại Việt Nam tăng vùn vụt trong thời gian qua đã khiến nhiều DN thời trang trong nước khốn đốn, từ hừng hực khí thế đẩy mạnh chuỗi bán hàng, giờ kinh tế khó khăn phải thu hẹp, trả lại mặt bằng vì không kham nổi. DN có tiềm lực mới trụ nổi. Đây mới là khâu phân phối, còn việc thiết kế, tạo ra sản phẩm rồi cạnh tranh với hàng giá rẻ nước ngoài… Đó là câu chuyện dài của việc xây dựng thương hiệu của hàng thời trang Việt Nam.
Các DN dệt may XK lớn như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước… có thuận lợi hơn khi phát triển tại thị trường nội địa nhờ kinh nghiệm XK và có tiềm lực kinh tế. Ngoại trừ Việt Tiến đã có chỗ đứng vững chắc từ trước trong người tiêu dùng nội địa, các thương hiệu khác phần lớn cũng phải “hôn phối” với các nhãn hiệu thời trang quốc tế qua nhượng quyền. Ở một khía cạnh nào đó, người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng sản phẩm đẳng cấp quốc tế với giá rẻ của Việt Nam. Tuy nhiên, thương hiệu thời trang thuần Việt chưa định hình rõ, việc xây dựng những thương hiệu thời trang “quốc gia” để bước ra quốc tế còn chậm.
Để gia tăng giá trị XK, đón đầu thuận lợi của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex Saigon), một DN XK dệt may khá lớn tại TPHCM, ngoài hợp tác sản xuất cung ứng hàng cho nhãn hiệu thời trang The Blue, Blue Exchange cho thị trường nội địa, DN còn quyết định thiết kế, sản xuất, bán hàng theo dạng ODM vào thị trường Mỹ theo cách “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Đây được xem chiến lược mang lại nhiều cơ hội mà một DN chuyên XK mạnh dạn chuyển hướng đầu tư. DN đã thành lập công ty con Công ty TNHH May Sài Gòn Xanh, mở văn phòng đại diện và các chi nhánh tại Mỹ vào tháng 2-2013.
HÀ NHAI