Cả 5 nước cùng khẳng định không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra.
Tuyên bố trên được công bố trước thềm một hội nghị của Liên hiệp quốc về không phổ biến vũ khí hạt nhân, đáng lẽ diễn ra từ ngày 4 đến 28-1 tại New York (Mỹ) nhưng đã bị hoãn do dịch Covid-19. Hội nghị này nhằm rà soát Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), được tổ chức 5 năm/lần kể từ năm 1975 (gần đây nhất vào năm 2015), tạo diễn đàn để các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thảo luận với các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân. Khoảng 190 nước đã ký NPT.
Năm 2020, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres từng bày tỏ lo ngại tiến trình xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân có nguy cơ bị đẩy lùi khi mà nhiều nước coi vũ khí hạt nhân như một phần của chiến lược chiến tranh, chứ không chỉ đơn thuần là biện pháp tự vệ hay răn đe. Cuối tháng 9-2021, ông Guterres lại một lần nữa lên tiếng cảnh báo nhân loại đang phải đối mặt với “mức độ rủi ro hạt nhân cao nhất” trong gần 4 thập kỷ qua. Tổng số vũ khí hạt nhân, dù đã giảm trong vài chục năm qua, nhưng vẫn còn khoảng 14.000 vũ khí được dự trữ trên khắp thế giới.
Trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, tuyên bố của 5 cường quốc thực sự là một thông điệp tích cực, được thấy rõ qua phản ứng của dư luận. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc Abdulla Shahid xem đây là động thái giúp các quốc gia tăng cường sự hiểu biết, cũng như tin cậy lẫn nhau, đồng thời ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang không mang lại lợi ích và gây nguy hiểm cho tất cả. Bộ Ngoại giao Nga hy vọng tuyên bố sẽ giúp xoa dịu căng thẳng về an ninh hiện nay. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định tuyên bố này giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các cường quốc thế giới… Có thể nói, tiến trình xóa bỏ vũ khí hạt nhân đã được đón tin vui vào những ngày đầu năm mới.