* Kiến nghị Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế sửa đổi có hiệu lực từ 1-6-2016
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII dự kiến sẽ khai mạc ngày 20-10. Việc chuẩn bị kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần cuối tại phiên họp hôm qua 13-10.
Kỳ họp dự kiến diễn ra từ 20-10 đến 28-11
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 đã cơ bản hoàn tất. Về chương trình nghị sự, đáng lưu ý là kỳ họp này chưa trình dự án Luật Ban hành quyết định hành chính; chưa trình Quốc hội cho ý kiến về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 5 năm 2016-2020. Đồng thời, bổ sung một số nội dung trình Quốc hội so với dự kiến lần trước. Đó là xem xét, quyết định việc gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; xem xét, thông qua Nghị quyết về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; xem xét, thông qua Nghị quyết về Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ… UBTVQH đã cho ý kiến cụ thể về cách thức tiến hành kỳ họp, thời lượng cụ thể của từng nội dung để đảm bảo tính hợp lý, khoa học, nâng cao hiệu quả làm việc của Quốc hội.
Đẩy nhanh việc phê chuẩn các Điều ước quốc tế
Việc sửa đổi, bổ sung một cách khá cơ bản và toàn diện Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 (Luật Điều ước quốc tế năm 2005) cũng đã được UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp ngày 13-10.
Các ý kiến tại phiên họp thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Luật Điều ước quốc tế sau 10 năm thực thi và nhận định, việc ban hành luật này có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại. “Ủy ban Đối ngoại kiến nghị luật này có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2016 để đẩy nhanh việc phê chuẩn các điều ước quốc tế, đặc biệt là Hiệp định TPP”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng phát biểu tại phiên họp. Nếu đề nghị này được chấp nhận, luật sẽ có hiệu lực ngay sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11 thay vì sau 6 tháng như thông lệ.
Cơ quan thẩm tra và một số ý kiến tại phiên họp lưu ý rằng, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề như ủy quyền, đàm phán, ký lưu trữ, công bố văn bản, hướng xử lý nếu trong quá trình ký kết và thực hiện thỏa thuận và có quy định trái hoặc khác với pháp luật trong nước. Tương tự, cũng chưa có văn bản quy định cụ thể về quy trình, thủ tục ký kết đối với các thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước không phải là Điều ước quốc tế. Đây là những “khoảng trống” nhất thiết phải được lấp đầy.
Nội dung cuối cùng được xem xét tại phiên họp chiều 13-10 của UBTVQH là việc gia nhập Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Đây là công ước quan trọng nhất trong lĩnh vực tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp với 68 thành viên là các quốc gia từ các hệ thống pháp luật khác nhau. Các cơ quan thẩm tra, soạn thảo cũng như các ý kiến trong UBTVQH cùng chung nhận định cho rằng việc tham gia cơ chế đa phương về hợp tác tương trợ tư pháp không những đem lại cơ hội thiết lập quan hệ Điều ước quốc tế để hợp tác với rất nhiều nước mà còn là xu hướng chung của thế giới mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Trong bối cảnh số lượng yêu cầu tống đạt giấy tờ của Việt Nam (chiếm trên 80% yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự) đang ngày càng gia tăng, trong khi giải pháp ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương trong lĩnh vực dân sự gặp nhiều khó khăn, thì việc gia nhập công ước là thật sự cấp thiết.
Hiện nay, trung bình mỗi năm Việt Nam ký kết hơn 100 Điều ước quốc tế trên tất cả các lĩnh vực biên giới, lãnh thổ, hợp tác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục…
ANH THƯ