Miền trung sống chung với bão lũ - Bài 7: Thủy điện Bình Điền Thừa Thiên - Huế hỏng khi… lũ lớn

Tê liệt chức năng giảm lũ
Miền trung sống chung với bão lũ - Bài 7: Thủy điện Bình Điền Thừa Thiên - Huế hỏng khi… lũ lớn

“2/5 cửa van xả tràn thủy điện Bình Điền bị hỏng. Tổng lượng mưa bão Ketsana lớn, nếu chỉ vận hành mở 3 cửa van thì không thoát đủ lưu lượng, nước sẽ tràn qua thân đập, gây nguy cơ vỡ đập… Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã yêu cầu Công ty CP Thủy điện Bình Điền phải nâng toàn bộ 5 cánh cửa van xả lũ để đề phòng có lũ lớn” - ông Nguyễn Văn Cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định.

Nhà máy thủy điện Bình Điền (Thừa Thiên- Huế) ngừng hoạt động vì phải sửa chữa máy móc hư hỏng do sự cố xả lũ ngày 29-9-2009.

Nhà máy thủy điện Bình Điền (Thừa Thiên- Huế) ngừng hoạt động vì phải sửa chữa máy móc hư hỏng do sự cố xả lũ ngày 29-9-2009.

Tê liệt chức năng giảm lũ

Nhà máy thủy điện Bình Điền khởi công năm 2005, trên sông Hữu Trạch (một nhánh sông Hương tỉnh Thừa Thiên - Huế) với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Công trình có sức chứa 423,7 triệu m3 nước, một đập đầu mối cao trình 87m với 5 cửa tràn xả lũ, 2 tổ máy phát điện công suất 44MW.

Ngoài việc bổ sung điện cho lưới điện quốc gia (cung cấp bình quân khoảng 200 triệu kWh/năm), thủy điện Bình Điền còn tham gia điều tiết lũ sớm, lũ tiểu mãn, giảm lũ chính vụ hạ du sông Hương… Ngày 19-5-2009, Nhà máy thủy điện Bình Điền đã chính thức đi vào hoạt động.

Thế nhưng, trong mưa bão Ketsana vừa qua, dư luận lại cho rằng, lũ sông Hương từ chiều 29 kéo dài đến rạng sáng 30-9, lên nhanh khiến cả TP Huế và các huyện vùng ven ngập sâu diện rộng hơn một phần là do hồ thủy điện Bình Điền xả lũ. Bởi khi mực nước lũ trên sông Hương tại Kim Long đạt đỉnh lúc 20 giờ ngày 29-9 là 4,57m, trên báo động III là 1,57m thì mực nước lớn nhất trên sông Bồ tại Phú Ốc dưới báo động III là 0,23m; sông Ô Lâu tại Phong Bình trên báo động III là 1,16m.

Thủy điện Bình Điền thiệt hại lớn nếu nhìn từ góc độ kinh tế. Theo tính toán, với công suất 44MW hòa vào đường dây 110kV Huế - Đông Hà mà không qua trạm biến áp đã phát điện thương mại sẽ cho doanh thu tối đa khoảng 700 triệu đồng/ngày (lượng điện năng phát trong ngày (44MW x 24 giờ) x đơn giá điện 690 đồng/kWh).

Nhưng trên thực tế từ chiều 29-9 đến ngày 2-12, Nhà máy thủy điện Bình Điền ngừng hoạt động do tác động từ việc xả lũ trong mưa bão Ketsana làm hư hỏng một số hạng mục máy móc tại 2 tổ máy phát điện. Vì vậy, chưa tính kinh phí sửa chữa, thất thu Nhà máy thủy điện Bình Điền khi ngừng hoạt động cũng lên đến con số hơn 30 tỷ đồng.

Van xả lũ hỏng là yếu tố khách quan (?)

Cùng với thủy điện Bình Điền, thượng nguồn sông Hương còn có công trình hồ Tả Trạch đang thi công. Nhưng mới đây, đơn vị thi công phần đập tràn xả lũ hồ chứa công trình này đã phát hiện sự biến đổi dị thường của địa tầng, bên phải đập tràn xả lũ xuất hiện nhiều vết nứt dị thường 20-30cm ăn sâu vào núi nên buộc phải tạm dừng thi công.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu một thời điểm thủy điện Bình Điền và đập tràn xả lũ hồ chứa công trình hồ Tả Trạch đi vào hoạt động chẳng may gặp sự cố thì TP Huế và các huyện vùng ven sẽ có bao nhiêu người thiệt mạng? Trường hợp nước lên quá nhanh, xả lũ không kịp, thủy điện vỡ đập thì điều gì có thể xảy ra?

Lý giải việc 5 cửa xả lũ tối đa tại thủy điện Bình Điền trong bão Ketsana, ông Nguyễn Văn Cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng, bão Ketsana kèm theo mưa rất lớn, theo số liệu thủy văn, tại lưu vực hồ Bình Điền, tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 27-9 đến 7 giờ ngày 1-10-2009 là 564mm; mực nước hồ Bình Điền trước lũ ngày 27-9 là +68m lúc 1 giờ ngày 29-9 mực nước qua tràn +73m và đạt đỉnh +81m lúc 19 giờ cùng ngày. Mực nước sông Hương tại Kim Long đạt đỉnh lúc 20 giờ ngày 29-9 là 4,57m (trên báo động III 1,57 m).

Tràn xả lũ hồ Bình Điền có 5 cửa van nhưng trước đó có 2 cửa van bị sự cố không vận hành được. Do vậy, Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã yêu cầu Công ty CP Thủy điện Bình Điền phải nâng toàn bộ 5 cánh cửa van để bảo đảm thoát đủ lưu lượng, đề phòng có lũ lớn.

Tràn xả lũ lúc này làm việc tự do, lưu lượng lũ được điều tiết trong lòng hồ Bình Điền chỉ có thể giảm 30%, còn lại chảy qua tràn. Trong khi đó, theo quy trình vận hành, nếu các cửa van thao tác bình thường thì có thể giữ nước lại trong lòng hồ để điều tiết xả dần, như vậy có thể giảm được một phần lũ và mực nước trên sông Hương có thể thấp hơn.

Ông Cao nhấn mạnh, sự cố hỏng 2 cửa van tràn là một yếu tố khách quan của nhà máy thủy điện, phía nhà máy đã cố gắng khắc phục sửa chữa trước thời gian quy định nhưng không thực hiện được. Việc Ban chỉ huy PCLB tỉnh quyết định nâng 5 cửa van lên là hợp lý. Bởi theo tính toán thủy văn, với tổng lượng mưa lớn như Ketsana, nếu chỉ vận hành mở 3 cửa van thì không thoát đủ lưu lượng, nước sẽ tràn qua thân đập, gây nguy cơ vỡ đập.

Hiện tại, Nhà máy thủy điện Bình Điền ngừng hoạt động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không rút dần nước từ lòng hồ thì nước luôn ở mức quá tràn. Vậy nếu thời tiết xảy ra mưa lớn, hồ thủy điện Bình Điền lại xả lũ, thế là TP Huế và các vùng hạ du sông Hương lại bị lũ chồng lũ?

Ông Nguyễn Văn Cao phân tích, sự cố hư hỏng 2 tổ máy phát điện không ảnh hưởng đến việc thoát lũ vì nếu phát điện thì lưu lượng xả qua nhà máy chỉ đạt tối đa 72m³/giây, quá nhỏ so với tổng lượng nước đến hồ. Như vậy, thủy điện Bình Điền không những không góp phần giải hạn, giảm lũ mà còn gây nguy cơ gây thiệt hại lớn hơn mỗi khi lũ về.

Đó thực sự là điều vô cùng lo lắng cho sinh mạng hàng trăm người dân vùng hạ lưu. Lợi về thủy điện chưa biết đến đâu, nhưng hại thì đã hiển hiện trước mắt.

Vũ Văn Thắng

Miền Trung sống chung với bão lũ

- Bài 1: Bão dồn, lũ dập

- Bài 2: Không “phòng” khó “chống”!

- Bài 3: “Phủ sóng” thủy điện - Lợi và hại

- Bài 4. Rừng xanh bị cạo trọc, lũ càng dữ dội...

- Bài 5: Cứu trợ - “muối bỏ biển”?

- Bài 6: Bình yên trong lũ dữ

Tin cùng chuyên mục