Về vụ tuột cáp treo cầu tạm Trà Ôn, Trưởng phòng An toàn lao động Công ty cổ phần Cầu 12: Như xe đang chạy bị nổ bánh

Đưa sinh viên thực tập về quê
Về vụ tuột cáp treo cầu tạm Trà Ôn, Trưởng phòng An toàn lao động Công ty cổ phần Cầu 12: Như xe đang chạy bị nổ bánh

Sự cố tuột cáp treo cầu tạm Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long vào đêm 12-4, gây ra cái chết thương tâm cho 5 công nhân, đang gây bức xúc trong dư luận, vì sự “vô tư” của đơn vị thi công lẫn giám sát.

Tai nạn khó tránh?!

Sau hơn 3 ngày xảy ra tai nạn nghiêm trọng tại công trình cầu Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), nhiều công nhân, đặc biệt là các sinh viên thực tập, vẫn còn rất hoảng loạn.

Anh Trương Văn Tuyến, người may mắn thoát chết trong gang tấc, nói: “Sự cố cầu tạm bị trục trặc như chùng dây cáp, nghiêng cầu hay các nấc, tay vịn thang leo lên cầu bị nứt mối hàn xảy ra thường xuyên. Dù anh em công nhân rất sợ nhưng vẫn buộc phải đi, do không còn đường nào khác”.

Về vụ tuột cáp treo cầu tạm Trà Ôn, Trưởng phòng An toàn lao động Công ty cổ phần Cầu 12: Như xe đang chạy bị nổ bánh ảnh 1

Hàng ngày các công nhân phải leo trèo qua lại thế này không dưới 10 lần, ngay cả vào ban đêm.

Anh Lê Văn Long, một sinh viên thực tập, bức xúc nói: “Khoảng giữa tháng 3, một sợi dây cáp bị chùng đã làm cho cây cầu bị nghiêng 45 độ, anh em có báo cáo nhưng cấp trên vẫn thờ ơ, không cho sửa chữa. Phải đến nửa tháng sau, tình trạng trên mới được khắc phục”.

Chiếc cầu được “chế” rất sơ sài, mặt cầu được lót bằng những đoạn thân tràm to bằng cổ chân, và được căng bằng 8 sợi dây cáp. Mặt cầu tạm dài 52m nhưng chỉ có duy nhất một bóng đèn ở đầu cầu. Đây là cây cầu “độc đạo” nhưng công nhân thường làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng. Nguy hiểm luôn rình rập, nhất là ban đêm, khi ánh sáng mập mờ và thiết bị bảo hộ lao động cần thiết như dây an toàn, không được trang bị.

Nhiều công nhân cho biết thêm: Đã có ít nhất 2 lần công nhân bị rơi từ trên cầu xuống sông. Riêng nạn nhân xấu số Nguyễn Văn Hợp, đã từng bị té xuống sông khi đang cột móc cần cẩu, nhưng may mắn thoát nạn. Điều đáng nói là trước sự cố tuột dây cáp dẫn đến tai nạn đêm 12-4, ngay đầu giờ chiều hôm đó, một sợi dây cáp bị chùng, nhưng không được chỉ huy công trình cho sửa chữa. Khoảng 21 giờ cùng ngày, hơn 20 công nhân và sinh viên thực tập cùng leo lên cầu dốc ống bê tông bị nghẹt, may mắn sự cố đã không xảy ra lúc đó, bởi với ngần đó người, tai nạn sẽ lớn hơn rất nhiều.

Thi công nói “gà”, giám sát nói “vịt”

Ông Nguyễn Đức Hùng, chỉ huy trưởng công trình, cho rằng: việc kiểm tra, giám sát công trình được tiến hành rất chặt chẽ và thường xuyên; trước mỗi lúc bơm bê tông đều được kiểm tra kỹ tổng thể của công trình cầu tạm. Vấn đề bảo hộ lao động cho công nhân cũng được trang bị đầy đủ (có cả dây đeo an toàn cho công nhân, phao cứu hộ)... Tuy nhiên, khi được  hỏi “tại sao hàng chục công nhân ra giữa mặt cầu tạm tháo dỡ ống dẫn bê tông bị nghẽn nhưng không được trang bị dây đeo an toàn”, ông Hùng chỉ im lặng và sau đó trả lời chung chung: “Đồ bảo hộ là có hết”.

Còn ông Lê Văn Lượng, đại diện tư vấn giám sát công trình, khi được hỏi về trách nhiệm của đơn vị trong sự cố trên, cho biết: đã giải quyết xong, vừa làm việc với bên công an và ngành chức năng, ông không thể cung cấp cho báo chí…

Trái với ý kiến của bên thi công, ông Lượng nói: “Cầu tạm không phải kiểm tra gì cả, nó không phải là công trình chính. Còn việc đi lại của công nhân thì không ai được đi lên cầu, chỉ đi đò qua lại”.

Trong khi đó, chủ đò duy nhất được thuê để phục vụ công trình lại một mực khẳng định: Đò này chỉ để chở bình oxy và vật liệu, công nhân đi trên cầu tạm.

Tiếp xúc với phóng viên Báo SGGP, các sinh viên thực tập cũng như nhiều công nhân rất bức xúc về độ an toàn của cây cầu tạm trên. Anh Lê Bá Tính, sinh viên thực tập, bàng hoàng nói: Chúng tôi biết là thiếu an toàn nhưng để hoàn thành khóa thực tập, lấy cái bằng, nên vẫn cứ liều. Bây giờ sự việc đã đến nỗi này, chúng tôi chỉ muốn về nhà, chẳng cần gì hết.

Trong khi đó, ông Đoàn Văn Tuất, Trưởng phòng An toàn lao động của Công ty cổ phần Cầu 12, khẳng định: “Không thể lường trước được, vụ tai nạn trên cũng giống như trường hợp xe đang chạy, bị nổ bánh?!”. Thật khó có thể tưởng một vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 5 người mà lại được ông ví von đơn giản như vậy!

Đ.TUYỂN – L.CHINH

Đưa sinh viên thực tập về quê

Từ lúc xảy ra sự cố đến nay, 11 sinh viên (học chung lớp với 3 nạn nhân Trịnh Hải Đăng, Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Văn Hợp) đều khó ngủ. SV Cao Văn Tý nghẹn ngào: “Dự định khi xây xong cầu, chúng tôi sẽ chụp hình lưu niệm để về khoe với mấy đứa ngoài quê. Thế mà…”.

Chiều 15-4, đại diện của Trường CĐ nghề Công nghiệp tỉnh Thanh Hóa có buổi làm việc với Công ty cổ phần Cầu 12. Ông Phạm Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn lao động của trường, cho biết: “Trường đã gửi công văn đến Công ty cổ phần Cầu 12 và yêu cầu đưa 11 sinh viên của trường về quê. Khoảng 2 ngày nữa, sẽ có xe đưa rước các em về Thanh Hóa”.

Tin cùng chuyên mục