Hệ lụy từ nạn phá rừng ở Quảng Nam: Hệ sinh thái tiêu điều, đàn voọc quý “kêu cứu”

Hệ lụy từ nạn phá rừng ở Quảng Nam: Hệ sinh thái tiêu điều, đàn voọc quý “kêu cứu”

Trong bài viết “Chuyện lạ có thật ở Quảng Nam – phá rừng để… đồng rừng!” trên số báo hôm qua 9-7, chúng tôi đã đề cập đến việc hàng chục ha rừng phòng hộ Phú Ninh (Quảng Nam) bị tàn phá. Không những thế, việc hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha rừng phòng hộ ở Quảng Nam nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung bị tàn phá, đã, đang và sẽ dẫn đến những hệ lụy khủng khiếp, rất đáng báo động. Nạn phá rừng ở Quảng Nam đã khiến sự đa dạng sinh học bị phá vỡ, đe dọa nguồn nước của “đại công trình” thủy lợi hồ Phú Ninh. Đặc biệt, đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm - một trong 25 loài động vật có nguy cơ tiệt chủng cao nhất thế giới - có thể bị xóa sổ.

Hệ lụy từ nạn phá rừng ở Quảng Nam: Hệ sinh thái tiêu điều, đàn voọc quý “kêu cứu” ảnh 1

Đa dạng sinh học bị phá vỡ

Hồ Phú Ninh là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất nước ta hiện nay, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tưới tiêu cho hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam và là nguồn nước sinh hoạt cho TP Tam Kỳ. Hồ Phú Ninh còn là di tích quốc gia, khu du lịch sinh thái hấp dẫn với hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động-thực vật quý hiếm nằm trong sách Đỏ của nước ta và thế giới.

Việc phá rừng phòng hộ hồ Phú Ninh không chỉ đơn thuần là mất gỗ mà còn đe dọa đến sự an toàn của hồ Phú Ninh. Những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá sẽ khiến nguồn nước của hồ bị cạn kiệt trong mùa nắng, nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa lũ và đe dọa đến sự tồn vong đa dạng sinh học nơi đây. Nhất là những loài động vật quý hiếm, trong đó có đàn voọc chà vá chân xám.

Rừng phòng hộ Phú Ninh thuộc thôn 10, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam bị “cạo trọc” không thương tiếc. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Rừng phòng hộ Phú Ninh thuộc thôn 10, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam bị “cạo trọc” không thương tiếc. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Trong quá trình cắt rừng, lội suối để tận mắt chứng kiến cảnh tàn phá rừng, chúng tôi bất ngờ phát hiện một đàn voọc chà vá chân xám đông đúc đang nhảy chuyền trên ngọn cây tại một khoảnh rừng thuộc xã Tam Mỹ Tây. Đây là loài động vật quý hiếm chỉ có ở miền Trung và Tây Nguyên nước ta.

Theo một số tài liệu khoa học, hiện nay trên toàn thế giới loài này chỉ còn 700 - 1.000 cá thể và là một trong 25 loài có nguy cơ tiệt chủng cao nhất thế giới. Tuy nhiên đến nay, nơi sinh sống của đàn voọc này chỉ còn là khoảnh rừng nhỏ nằm dưới vực sâu giữa 2 sườn núi, còn chung quanh chỉ là đồi trọc và ngày càng bị xâm hại bởi con người.

Ông Trần Văn Chung, Trưởng thôn 10 xã Tam Mỹ Tây, cho biết: Đàn voọc này có trên 30 con. Trước đây đàn voọc đông hơn, nhưng thời gian gần đây do rừng bị thu hẹp nên đàn voọc ngày càng giảm. Người dân phát hiện đàn voọc này từ nhiều năm trước và đã báo cáo nhưng không thấy cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền (Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương) chăm sóc con voọc chà vá chân xám ở Quảng Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền (Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương) chăm sóc con voọc chà vá chân xám ở Quảng Nam.

        Không thể bảo tồn vì không kinh phí

Trong khi các ngành chức năng chưa có động tĩnh nào trong việc bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh thì hàng ngày, đàn voọc này bị đe dọa và đang đứng trước nguy cơ tiệt chủng vì sinh cảnh bị phá vỡ.

Theo ông Trần Văn Chung, cách đây vài năm, người đi rừng đã đặt bẫy được 1 con voọc chà vá chân xám và mang đi xẻ thịt. Gần đây nhất, tại Tam Kỳ, Quảng Nam, người đi làm rừng đã bẫy được 2 mẹ con voọc chà vá chân xám và mang con mẹ đi xẻ thịt, voọc con 2 tuần tuổi bị mang đi bán cho một cán bộ ngành nông nghiệp Quảng Nam với giá 800.000 đồng. Sau đó, voọc con được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ linh trưởng quý hiếm Cúc Phương nuôi dưỡng.

Cách đây 5 năm, Hạt Kiểm lâm Núi Thành đã đề nghị lên Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam bảo tồn đàn voọc nhưng không làm được vì không có kinh phí.

Trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này, ông Phạm Thanh Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, cho biết, để bảo vệ đàn voọc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm Núi Thành tăng cường công tác tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát, không cho người dân xâm hại đến đàn voọc cũng như xâm hại đến môi trường sống của loài động vật quý hiếm này. Tuy nhiên, ông Lâm thừa nhận việc lập dự án để bảo tồn đàn voọc tại rừng phòng hộ Phú Ninh chưa thể làm được vì không có kinh phí.

Chúng tôi liên lạc với bà Nguyễn Thị Thu Hiền, cán bộ Trung tâm Cứu hộ linh trưởng quý hiếm Cúc Phương, qua điện thoại và được bà cho biết, muốn bảo vệ đàn voọc quý hiếm này, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phải lập tức vào cuộc ngăn chặn hành vi xâm hại rừng trước khi quá muộn. Đàn voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây chắc chắn sẽ tiệt chủng trong nay mai nếu các ngành chức năng không ra tay ngay từ bây giờ.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đề nghị khởi tố vụ án

Chiều 9-7, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết, ông đã trực tiếp đi kiểm tra tình trạng phá rừng tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành và xác nhận việc phá rừng phòng hộ là có thật.

Sau khi làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Núi Thành và UBND huyện Núi Thành, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan, nhất là Hạt Kiểm lâm huyện Núi Thành tăng cường công tác giám sát, kiểm tra bảo vệ rừng. Đồng thời, Sở NN-PTNT tỉnh yêu cầu Hạt Kiểm lâm Núi Thành phải điều tra, lập hồ sơ những tổ chức, cá nhân xâm hại rừng phòng hộ hồ Phú Ninh tại địa bàn xã Tam Mỹ Tây và Tam Trà để đề nghị khởi tố vụ án. Sau đó, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố đối với những đối tượng xâm hại rừng phòng hộ tại đây.

NGUYÊN KHÔI


 

Nghệ An: Khởi tố vụ án đập xe kiểm lâm

Ngày 9-7, nguồn tin từ Công an huyện Đô Lương (Nghệ An), cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Văn Tài (SN 1977, trú xã Thượng Sơn, Đô Lương) về tội chống người thi hành công vụ.

Trước đó, nhận được tin báo của quần chúng, 5 cán bộ Hạt Kiểm lâm Đô Lương đã đến địa bàn xã Thượng Sơn và phát hiện ô tô 37S-5174 đang chở gỗ với nhiều dấu hiệu khả nghi. Cán bộ kiểm lâm yêu cầu dừng xe kiểm tra nhưng xe này vẫn bỏ chạy. Khi đến địa bàn xóm 4 xã Thượng Sơn thì xe của kiểm lâm bất ngờ bị một nhóm người chặn lại đập phá và hăm dọa cán bộ kiểm lâm, cùng lúc số gỗ trên xe 37S-5174 được đưa đi tẩu tán.

Sau một thời gian điều tra, cơ quan công an đã khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Văn Tài. Lái ô tô 37S-5147 là Nguyễn Thế Hòa (trú xã Thượng Sơn) cũng đã đến cơ quan công an đầu thú.

D.CƯỜNG

Đắc Lắc: Bắt ô tô tải chở gỗ lậu

Sáng 9-7, tại buôn Păm Lăm, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc, Phòng Cảnh sát quản lý kinh tế và chức vụ đã bắt quả tang Huỳnh Tấn Xuân (trú tại 52/8 Bùi Thị Xuân, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) điều khiển ô tô tải 47L-3600 chở trái phép 23 lóng gỗ tròn và 2 hộp gỗ xẻ gồm các loại căm xe, hương và cà chít...

T.HIỀN

Kon Tum: Phó trưởng thôn phá rừng đặc dụng

Ngày 9-7, ông Trương Văn Lên, Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy gần 700ha (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum), cho biết: Đội kiểm lâm cơ động bắt quả tang A Phen, Phó trưởng thôn Kon Klốc, xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, cùng 7 người khác khai thác gỗ trái phép (đang hạ một cây gỗ trắc nhóm IIA) vào ban đêm tại rừng đặc dụng Đắk Uy.

L.KHẾ

Tin cùng chuyên mục