Nha Trang và Mũi Né bị xếp hạng bãi biển “tệ” nhất - Cơ hội nhìn lại mình

Hút khách...
Nha Trang và Mũi Né bị xếp hạng bãi biển “tệ” nhất - Cơ hội nhìn lại mình

Tạp chí National Geographic xếp hạng hai bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa) và Mũi Né (Bình Thuận) vào nhóm bãi biển “tệ” nhất trong 99 bãi biển đẹp nhất thế giới. Chính quyền địa phương đã có ý kiến phản biện trước thông tin này. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt dấu hỏi về thực trạng hoạt động, khai thác và công tác quản lý các bãi biển trong thời gian qua.

Biển Nha Trang vẫn sạch đẹp và đông khách.

Biển Nha Trang vẫn sạch đẹp và đông khách.

Hút khách...

Có thể nói, trong những năm qua ngành du lịch Khánh Hòa đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, lượng khách trong và ngoài nước đến Khánh Hòa luôn tăng. Trong đó, biển Nha Trang là nơi hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Nha Trang là thành viên Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới; được Bộ VH-TT-DL công nhận danh thắng cấp quốc gia.

Liên tục nhiều năm gần đây, Nha Trang được chọn làm nơi tổ chức các sự kiện quốc tế, nhất là các cuộc thi hoa hậu quy mô toàn cầu. Những con số thống kê thu hút khách du lịch trong mấy năm qua: Năm 2005 đón 902.468 lượt người, năm 2009: 1.580.080 lượt, 10 tháng đầu năm 2010: 1.526.255 lượt, cho thấy Nha Trang là một trung tâm du lịch lớn của cả nước và biển Nha Trang là một mắt xích rất quan trọng.

Vừa qua, Nha Trang đã được Ủy ban Olympic châu Á chọn là nơi đăng cai Olympic thể thao bãi biển của khu vực châu Á lần thứ 5-2016. “Điều đó chứng tỏ Nha Trang không hề “tệ nhất” như Tạp chí National Geographic bình chọn. Bởi trước khi chọn Nha Trang để tổ chức sự kiện này, Ủy ban Olympic châu Á đã đi khảo sát về môi trường, cảnh quan và cơ sở vật chất” – ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bức xúc.

Theo ông Trương Đăng Tuyến, Giám đốc Sở VH-TT-DL Khánh Hòa: “Việc xếp hạng được Trung tâm Các địa điểm du lịch bền vững thuộc Hội Địa lý Mỹ thực hiện. Họ dựa trên kết quả chấm điểm của 340 chuyên gia, theo 6 tiêu chí: chất lượng môi trường và hệ sinh thái; sự nguyên vẹn của xã hội và văn hóa; chất lượng và điều kiện bảo tồn của những công trình xây dựng lịch sử và khu khảo cổ học; sự lôi cuốn về mỹ học; chất lượng quản lý du lịch và tầm nhìn cho tương lai. Mỗi chuyên gia chỉ đánh giá một điểm du lịch mà họ quen thuộc, hiểu rõ nhất. Đây không phải kết quả xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới nên chưa khách quan và không toàn diện”.

Trong khi đó, từ một tỉnh nghèo ven biển miền Trung, Bình Thuận đã trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước nhờ sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24-10-1995. Ngành du lịch Bình Thuận đang tận dụng những lợi thế, đặc biệt là lợi thế các bãi biển để thu hút khách, phát huy hiệu quả...

Nếu như trước năm 1995 chỉ có khoảng hơn 40.000 du khách đến với Bình Thuận, đến 1995 nhờ sự kiện nhật thực toàn phần nên có được 53.200 lượt du khách, trong đó có 5.300 du khách quốc tế thì 10 tháng đầu năm 2010 đã có khoảng 2,1 triệu lượt, dự kiến cả năm sẽ đón 2,5 triệu lượt khách.

Những con số đó đã phần nào chứng minh ngành du lịch Bình Thuận và Khánh Hòa đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Trong đó du lịch có liên quan đến các bãi biển chiếm phần lớn.

Sức ép đô thị hóa

Thời gian qua, báo chí trong nước đã nhiều lần phản ánh những bất cập từ các bãi biển, nhất là quá trình đô thị hóa khiến bãi biển chịu nhiều sức ép, các bãi biển dần dần trở thành tư nhân hóa... không còn thuộc về không gian sử dụng chung của cộng đồng. Không chỉ sau khi tạp chí National Geographic thông tin chúng ta mới biết đến những tồn tại này. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào khắc phục những hạn chế và bất cập này.

Những ai có dịp đến bãi biển Nha Trang dạo gần đây đều cảm nhận được quá trình đô thị hóa của bãi biển này. Hàng trăm công trình đã được quy hoạch, xây dựng khiến bãi biển này ngày bị che khuất, mất đi mỹ quan. Dư luận phàn nàn về việc xuất hiện nhiều nhà hàng phía Đông đường Trần Phú, chiếm không gian vốn rất hẹp ở đây, che lấp tầm nhìn ra biển…

Theo ông Trương Đăng Tuyến, trước đây tỉnh có hướng quy hoạch không cho xây dựng kiên cố che chắn tầm nhìn phía Đông đường Trần Phú mà chỉ làm công viên bờ biển. Nhiều năm sau đó, một số doanh nghiệp không biết làm cách nào đó đã “được” xây dựng các công trình mà không tuân thủ quy định này.

Ở Bình Thuận, từ ngày du lịch phát triển mạnh, hàng loạt dự án resort được cấp phép ở Mũi Né. Nhưng có một thực tế đã tồn tại nhiều năm qua tại khu du lịch Mũi Né, đó là người dân và du khách khó tìm được bãi tắm, thậm chí không có đường xuống biển bởi các khách sạn, resort đã lấp kín. Vô hình trung, khái niệm bờ biển của các khu resort đang trở thành thông lệ được hiểu ngầm ở đây. Trong khi đó, các cơ quan chức năng khẳng định, chưa bao giờ có chủ trương khóa mặt biển như vậy.

Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nơi đây, mà theo giới chuyên môn, còn hạn chế tiềm năng du lịch biển trong tương lai khi bãi biển đang biến thành của riêng của một số doanh nghiệp.

Có thể nói, thông tin xếp hạng của Tạp chí National Geographic đáng để ngành du lịch không chỉ của hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận giật mình mà cả ngành du lịch biển Việt Nam cũng phải nhìn lại để khắc phục nhằm phát triển một cách bền vững hơn.

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục